Sáng 18.3, Triều Tiên bắn liên tiếp 2 quả tên lửa vào biển Nhật Bản, chỉ một ngày sau khi Mỹ tuyên bố áp đặt lệnh trừng phạt mạnh tay hơn nữa nhằm vào Bình Nhưỡng. Trước đó 1 tuần, Triều Tiên cũng bắn 2 tên lửa tầm ngắn khác vào bờ biển phía đông nước này. Loại tên lửa bắn ra được cho là Nodong-1 (Rodong-1), bay xa 800km trước khi rơi xuống nước.
Chương trình tên lửa Bình Nhưỡng đã phát triển trong vài thập niên kể từ tên lửa pháo binh chiến lược thập niên 60,70 cho đến tên lửa đạn đạo tầm ngắn và trung thập niên 80,90. Những tên lửa tầm xa hơn đang được nghiên cứu và phát triển liên tục.
Tên lửa Triều Tiên chủ yếu phát triển từ tên lửa Scud của Liên Xô và dòng German V2 từ thời Thế chiến II.
Triều Tiên nhận tên lửa chiến thuật lần đầu tiên năm 1969 từ Liên Xô tuy nhiên phải mãi tới năm 1976 Bình Nhưỡng mới sở hữu dòng Scud. Ai Cập được cho là nước đã cung cấp số lượng Scud tương đối lớn cho Triều Tiên để đổi lại việc trợ giúp chống quân Israel trong cuộc chiến Yom Kippur năm 1973. Yom Kippur hay Cuộc chiến 10 ngày là cuộc chiến giữa quân đội Israel và liên minh các quốc gia Ả Rập.
Năm 1984, Triều Tiên bắt đầu phát triển và sản xuất thành công tên lửa Hwasong-5 dựa trên nguyên mẫu Scud. Những mẫu tên lửa tầm xa hơn như Hwasong-6 và Nodong (hoặc Rodong) đã được phát triển sau đó, tầm bắn xa hơn 50% so với nguyên mẫu.
Năm 2006, Triều Tiên bắn tên lửa Taepodong-2, đạt tầm bắn vài ngàn km. Tháng 12.2012, Triều Tiên bắn thành công tên lửa ba tầng khiến cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ.
Mới đây nhất hồi tháng 2.2016, Triều Tiên tuyên bố phóng thành công vệ tinh lên quỹ đạo. Giới quân sự phương Tây tin rằng đây là một chiêu bài ngụy trang tên lửa tầm xa và giúp Triều Tiên kiểm nghiệm khả năng phát triển tên lửa đạn đạo.
Tên lửa tầm ngắn
Triều Tiên được cho là sở hữu nhiều tên lửa tầm ngắn, chẳng hạn như KN-02 có phạm vi bay 120km và hoàn toàn có thể nhắm tới các cơ sở quân sự Hàn Quốc. Tên lửa Hwasong 5 và 6, thường gọi là Scud B và C có tầm bắn 300km và 500km, theo Trung tâm nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân Mỹ. Tên lửa này mang đầu đạn thông thường hoặc gắn thêm đầu đạn hạt nhân, hóa học hoặc vũ khí sinh học.
Tên lửa Hwasong 5 và 6 đã được thử nghiệm thành công và các chuyên gia quân sự tin rằng Triều Tiên đủ sức công phá bất kì vị trí nào trên lãnh thổ Hàn Quốc. Tên lửa Hwasong-6 đã được bán cho Iran và đổi tên là Shehab 2.
Tên lửa Nodong (Rodong)
Triều Tiên khởi động chương trình tên lửa mới vào cuối thập niên 80, được gọi là tên lửa Nodong (hoặc Rodong) với phạm vi bắn 1.000km. Mục tiêu tên lửa được cho là nhằm vào Nhật Bản. Tên lửa dựa trên nguyên mẫu Scud nhưng uy lực hơn và tầm bắn xa hơn 50%.
Theo Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, rất ít thông tin được biết về quá trình nghiên cứu, phát triển và sản xuất tên lửa Nodong. Viện này tin rằng tên lửa Nodong chưa đủ độ chính xác để bắn tới các mục tiêu quân sự như căn cứ Mỹ đặt ở Nhật Bản.
Tháng 3.2006, một báo cáo được Trung tâm nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân Mỹ công bố kết luận độ sai lệch của tên lửa Nodong là trong bán kính từ 2 đến 4km. Chuyên gia quân sự nhận định Nodong là tên lửa để đối phó với Nhật Bản và khả năng sát thương khá cao.
Tên lửa Musudan
Tên lửa Musudan, hay còn gọi là Nodong-B hoặc Taepodong-X là tên lửa đạn đạo tầm trung. Mục tiêu nhắm tới của Musudan là đảo Okinawa, Nhật Bản hoặc các căn cứ quân sự Mỹ đặt ở Thái Bình Dương.
Tầm bắn của tên lửa này chưa có số liệu chính xác. Tình báo Israel tin rằng tên lửa Musudan có thể bắn xa 2.500km tuy nhiên Viện Quốc phòng tên lửa Mỹ khẳng định Musudan tầm bắn 3.200km. Nghiên cứu độc lập khác cho rằng tầm bắn của tên lửa đạn đạo này là 4.000km.
Sai số lớn đến vậy khi đánh giá tên lửa Musudan là do Triều Tiên không thử nghiệm công khai loại vũ khí này.
Tên lửa Taepodong 1 và 2
Tên lửa Taepodong-1 hay còn gọi là Paektusan-1 trong tiếng Triều Tiên là tên lửa đa tầng đầu tiên của nước này.
Taepodong-1 được cho là tầm bắn 2.200km và ít chính xác hơn tên lửa Nodong. Các chuyên gia cho rằng Taepodong-1 được thử nghiệm vào tháng 8.1998 trong vai trò tên lửa đẩy tàu vũ trụ. Thay vì đóng vai trò là tên lửa đạn đạo thông thường, tên lửa này có tầng thứ 3 chứa vệ tinh nhỏ để phóng vào quỹ đạo Trái Đất.
Tên lửa Taepodong-2 hay còn gọi là Paektusan-2 là tên lửa đạn đạo từ 2 đến 3 tầng nhưng ưu việt hơn “tiền bối”. Tầm bắn của tên lửa ước đạt 5.000 đến 15.000km. Trung tâm nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân Mỹ ước tính tầm bắn tối đa là 6.000km.
Hồi tháng 7.2006, tên lửa Taepodong-2 từng bay trên trời 42 giây trước khi phát nổ.