Dân Việt

Nhà đầu tư ngoại tháo chạy khỏi Hoàng Anh Gia Lai

Phan Thế Hải 19/03/2016 10:00 GMT+7
Với đống nợ hơn 32.000 tỷ đồng, trong đó có nhiều khoản đã đến hạn, nhưng nguồn thu của tập đoàn này vẫn chậm chạp khiến các cổ đông lo nơm nớp. Đây được coi là nguyên nhân chính để các nhà đầu tư ngoại tháo chạy và giá cổ phiếu HAG liên tục giảm.

img

Có thể thấy được thiện chí của bầu Đức, Chủ tịch của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, khi quyết tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Nhưng nếu bỏ những nghề truyền thống để làm nông nghiệp, lại đầu tư một cách ồ ạt, không có lộ trình bài bản, chuyện sa lầy là hoàn toàn dễ hiểu.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17.3, cổ phiếu của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) khớp lệnh ở mức 8.4, thấp hơn mệnh giá. Mức giá này chưa bằng 1/10 thời kỳ hoàng kim (3.2010). Trong mấy tháng đầu năm, dẫu có lên xuống đôi chút, nhưng nhìn tổng thể, giá cổ phiếu của tập đoàn Bầu Đức vẫn giảm liên tục và chưa vượt lên trên mệnh giá.

Giá cổ phiếu được coi là nhiệt kế đo sức khỏe của DN. Trong thương trường, lên xuống là chuyện bình thường, nhưng với Hoàng Anh Gia Lai, để phục hồi như dăm năm trước đây dường như là không thể. Vậy đâu là nguyên nhân?

Với vốn điều lệ xấp xỉ 8.000 tỷ đồng, Hoàng Anh Gia Lai là một trong những tập đoàn lớn nhất nước. Với số vốn đó, tập đoàn đang đầu tư vào 35 công ty con với tỷ lệ nắm giữ cổ phần 50-100%.

Theo Báo cáo tài chính của HAG vừa mới được công bố, năm 2015, doanh thu của tập đoàn này đạt 6.252 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ bán bò lớn nhất với 2.541 tỷ đồng, từ xây dựng là 1.039 tỷ đồng, mía đường 871 tỷ đồng. Ngoài ra, các sản phẩm, hàng hóa, mủ cao su, căn hộ, bán bắp, bất động sản đầu tư, khoáng sản… cũng đóng góp lớn vào cơ cấu nguồn thu.

Cũng theo Báo cáo tài chính, nợ phải trả của Hoàng Anh Gia Lai đến cuối năm là 32.650 tỷ đồng, trong nó nợ NH xấp xỉ 12.000 tỷ đồng. Tổng tài sản tập đoàn là 48.604 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 15.963 tỷ đồng.

Với đống nợ hơn 32.000 tỷ đồng, trong đó có nhiều khoản đã đến hạn, nhưng nguồn thu của tập đoàn này vẫn chậm chạp khiến các cổ đông lo nơm nớp. Đây được coi là nguyên nhân chính để các nhà đầu tư ngoại tháo chạy và giá cổ phiếu HAG liên tục giảm.

Hoàng Anh – Gia Lai, từ xuất phát điểm là một công ty sản xuất đồ nội thất, rồi lấn sân sang bất động sản, làm thủy điện rồi ồ ạt tấn công vào lĩnh vực nông nghiệp, một lĩnh vực hấp dẫn nhưng đầy rủi ro.

Với các nước phát triển, có rất nhiều tập đoàn đa ngành thành công nhưng họ vẫn giữ cho mình ngành chủ lực, được coi là xương sống làm nên tên tuổi và thương hiệu của mình. Nhưng Hoàng Anh – Gia Lai lại không đi theo cách đó.

Khi bất động sản khó khăn, Bầu Đức vươn ra nước ngoài và tập trung mạnh vào cứ điểm Attapeu ở Nam Lào. Tại đây, bầu Đức đã gom đất làm cao su, mía đường, trồng ngô, khai khoáng và xây cả... sân bay. Để có tiền đầu tư cho nông nghiệp, Bầu Đức đã bán bớt bất động sản, thủy điện và... đi vay.

Cũng chính vì giành thời gian quá nhiều ở nước ngoài nên những mảng truyền thống trong nước bị bỏ rơi và teo tóp. Nhìn vào cơ cấu nguồn thu của tập đoàn có thể thấy được điều đó.

Như đã nói ở trên, nông nghiệp là lĩnh vực hấp dẫn nhưng cũng đầy rủi ro, đặc biệt là với sự biến động mạnh của thị trường trong những năm vừa qua.

Thứ nhất là cao su. Giá cao su đã có một thời kỳ hoàng kim kéo dài và có xu hướng ăn theo giá dầu. Giá mủ cao su đạt đỉnh điểm 4.562 USD/tấn trong tháng 2.2011, riêng chủng loại SVR 3L đạt 5.704 USD/tấn. Tuy nhiên, ngay lúc đó đầu tư trồng cao su thì ít nhất là 5 năm sau mới có thu hoạch. Hiện tại, giá cao su đang dao động ở mức xấp xỉ 1.500 USD/tấn, chưa bằng 1/3 thời kỳ hoàng kim.

Thứ hai là mía đường. Dẫu trồng mía ở Lào có nhiều lợi thế hơn trong nước, nhưng với một nền kinh tế toàn cầu với nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết, đường của bầu Đức khó cạnh tranh được với hai cường quốc mía đường khác là Brazil và Ấn Độ.

Về bò thịt, đây được coi là bước đột phá của HAG. Với lợi thế là diện tích trồng cỏ ở Tây Nguyên, cộng với việc áp dụng công nghệ tiên tiến từ Israel, bò thịt đang có cơ hội sinh lợi cao. Tuy nhiên, do hạn hán kéo dài, cùng với đó là sự tham gia ngày càng đông đảo của các doanh nghiệp khác vào thị trường này, nuôi bò cũng đang tiềm ẩn những khó khăn.

Những loại cây trồng khác như cọ dầu, ngô... cũng không dễ để tạo ra sự khác biệt vượt trội.

Nông nghiệp, lĩnh vực hấp dẫn, nhưng đầu tư lớn, lại bị chi phối bởi sự đỏng đảnh rất khó đoán định của thời tiết nên đồng thời cũng là lĩnh vực rất rủi ro. Với các nước phát triển, thường phải có quỹ bảo hiểm cho nông nghiệp.

Vấn đề hiện nay là Bầu Đức sẽ làm cách nào để thoát khỏi các khó khăn này? Một câu hỏi rất khó trả lời.