Tiếng la hét, giằng co của game thủ Nguyễn Đức T., ở huyện Hoài Đức, Hà Nội khi được gia đình đưa vào Viện Sức khỏe tâm thần đã khiến cho y tá và bệnh nhân ở Phòng T4 - Nghiện chất (Phòng Điều trị bệnh nhân rối loạn tâm thần nam) hốt hoảng. T. lăn đùng ra đất, nhất quyết không chịu cho bác sĩ khám và luôn mồm lảm nhảm: “Tôi có bệnh gì đâu mà phải khám”.
Trực tiếp bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng T4 phải động viên, thuyết phục mãi T. mới chịu ngồi yên một lúc. Sau khi thăm khám, hỏi han, động viên cả tiếng, T. mới chịu kể về hành trình cày game của mình khiến các bác sĩ đều… choáng. T. được nhập viện, sử dụng liệu pháp an thần kinh. Sau khi tiêm thuốc, game thủ lăn ra ngủ, khuôn mặt trở lại vẻ hiền lành, không còn đờ đẫn và rối loạn như lúc trước. Đợi con ngủ say, mẹ T. mới thay được bộ quần áo cáu bẩn, hôi hám trên người cậu ta ra.
Lực lượng chức năng kiểm tra một đại lý Internet ở Hà Nội |
Nguồn cơn nghiện game online của T. bắt đầu từ việc cậu ta vẽ rất đẹp. Bố T. vốn là một thợ mộc, T. được “trưng dụng” vào việc thiết kế hình ảnh trên máy tính cho bố. Những mẫu vẽ của T. nhanh chóng được thị trường ưa chuộng. Thế là T. suốt ngày ngồi bên chiếc máy, có lúc còn quên cả ăn. Tưởng con ham mê học vẽ nên bố mẹ T. lấy đó làm vui và không quản lý giờ giấc của con. Từ học vẽ, T. bắt đầu hí hoáy chơi game.
T. lao vào các trò chơi ma tàng, phù thuỷ, đánh đấm. Dần T. quên cả việc học mà chỉ chơi game thâu đêm suốt sáng. Khi bố mẹ phát hiện con chơi game cũng là lúc T bị nghiện nặng. Cậu ta bỏ học, đóng cửa kín ở trong phòng, không muốn giao tiếp với ai, sống cuộc sống bẩn thỉu khi ăn, đi vệ sinh ở ngay trong phòng. Sau mấy tháng cày game liên tục, T. chỉ ăn mì tôm, uống nước trắng và sụt tới 6kg. Căn phòng và người T. đều bốc mùi hôi hám không ai dám lại gần. Sợ quá, gia đình đã phải “cưỡng chế” mới đưa T. được vào nhập viện.
Không ở cái tuổi “dở dở, ương ương” như T., game thủ Trần Văn Bách ở quận Cầu Giấy, Hà Nội từ một sinh viên đã trở thành bệnh hoạn chỉ vì nghiện game online. Bách đang được điều trị ở Bệnh viện 103 vì chứng loạn thần. Mẹ Bách, bà Đặng Thị Mùi sụt sịt kể: “Nó vốn là đứa ngoan, hiền và học giỏi lắm. Thế mà giờ trở thành như thế kia, chẳng biết có khỏi được không”.
Đang học năm thứ ba đại học, Bách gặp phải một chuyện buồn đó là bạn gái đòi chia tay. Chán nản, Bách lao vào chơi game và cả ngày cắm mặt vào máy tính. Cho đến một ngày chàng trai này không còn tha thiết gì với cuộc sống thực tại nữa, suốt ngày chỉ nhốt mình ở trong phòng với chiếc máy tính, rồi bỏ học. “Nó hầu như không ăn chỉ để cày game. Phòng nó lúc nào cũng khoá chặt, không bật đèn, nó rất sợ ánh sáng, không mặc quần áo, sụt chục kilôgam. Thỉnh thoảng chỉ nghe thấy nó hét lên, đập vỡ đồ đạc, nói lảm nhảm”- bà Mùi oà khóc khi kể về con trai. Vào Bệnh viện 103, bác sĩ kết luận Bách bị như thế là do nghiện game.
Nghỉ hè, thời gian nhàn rỗi, thiếu sân chơi, bố mẹ bận làm ăn đã khiến nhiều học sinh lao vào quán Internet và nghiện game lúc nào không hay. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng T4 - Nghiện chất thì từ đầu nghỉ hè đến nay có khoảng 30 học sinh ở Hà Nội và các tỉnh đến cai nghiện game, hầu hết đều bị rối loạn tâm thần, trong đó có nhiều ca bệnh rất nặng. Biểu hiện, triệu chứng của người nghiện game chia làm hai giai đoạn.
Giai đoạn 1 là mệt mỏi kéo dài, đau cơ khớp, đau đầu, tính tình thay đổi, hay cáu giận, tư duy theo chiều hướng của game. Ví dụ như người nghiện game bạo lực thì suốt ngày chỉ nghĩ đến đánh nhau. Còn người nghiện game thời cổ thì hay biến mình thành ma tà, phù thuỷ hoặc nghiện game học đường thường thể hiện hành vi trượng phu, cho mình là người tài giỏi… Nếu nghiện game ở giai đoạn muộn thường xuất hiện hoang tưởng, ảo giác, liên quan đến tính chất của game; các hành vi rối loạn, kích động, sàm sỡ cũng theo tính chất của game.
Hậu quả của nghiện game thật nặng nề. Không chỉ bị ảo giác, rối loạn tâm thần mà người bệnh còn gây tội ác (nghiện game bạo lực) hoặc bệnh hoạn (nghiện game sex). Hiện nay đã có rất nhiều liệu pháp cai nghiện game online ra đời.
Lớp “Cai nghiện game” của Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam chủ yếu bằng liệu pháp tâm lý. Game thủ được học và chơi các trò chơi hợp với lứa tuổi, rèn luyện kỹ năng sống để tránh xa cám dỗ, đưa các em trở về với cuộc sống thực tại.
Còn ở Viện Sức khỏe tâm thần, liệu pháp điều trị chủ yếu là dùng thuốc và tư vấn tâm lý. Theo số liệu thống kê của Viện Sức khoẻ tâm thần thì 20% bạn trẻ chơi game bị game chi phối và phải qua quá trình điều trị tâm lý rất khó khăn mới trở về cuộc sống thực tại.
Hiện nay, công tác quản lý game online còn nhiều bất cập, bằng chứng là trong tháng 6.2011, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội kiểm tra 28 đại lý Internet trên địa bàn 6 quận thì cả 28 đại lý đều chưa chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet, trong đó có 4 đại lý hoạt động quá giờ quy định, 10 đại lý hoạt động cạnh trường học.
Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng khuyến cáo: “Phụ huynh cần theo sát con, có kế hoạch cho mỗi đợt giải lao khi con chơi game. Khi phát hiện triệu trứng nghiện game ở giai đoạn đầu, phải cho con đến viện điều trị ngay, đừng để bệnh nặng, nguy cơ trở lại cuộc sống bình thường sẽ rất khó khăn và lâu dài".