Dân Việt

Hạn hán, nhiễm mặn ở ĐBSCL: Gieo sạ sớm, hậu quả lớn

Huỳnh Xây 21/03/2016 09:58 GMT+7
Trước thực trạng hạn hán, xâm nhập mặn và Trung Quốc sẽ xả nước xuống ĐBSCL, chuyên gia, nhà khoa học cho rằng phải ngăn chặn việc xuống giống hè thu sớm vì hậu quả rất khôn lường.

Giá lúa cao nên vội vàng xuống giống?

Ghi nhận của phóng viên Dân Việt ngày 21.3, tại xã Vị Tân (TP.Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang), nhiều diện tích lúa hè thu 2016 đã được gieo sạ bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp địa phương. Người dân cho biết, do lúa đông xuân có giá cao nên tranh thủ làm đất, sạ sớm lúa hè thu.

img

Nông dân xã Vị Tân, TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang xuống giống hè thu sớm. Ảnh: Huỳnh Xây

Việc nông dân xuống giống trước lịch thời vụ đang được cán bộ địa phương theo dõi sát để có những khuyến cáo kịp thời cụ thể tùy theo giai đoạn sinh trưởng của cây lúa và ở từng khu vực khác nhau”.

Ông Hồ Hồng Lâm - Trưởng phòng Kinh tế TP. Vị Thanh (Hậu Giang)

Ông Lê Văn Hải (xã Vị Tân) cho biết, gia đình ông đang tranh thủ bơm nước dưới sông lên để làm 5000m2 đất, sạ cho kịp lúc với bà con lân cận. “Nhiều hộ dân nơi đây sạ lúa đã vài ngày, tôi phải làm đất nhanh, ngâm ủ giống IR50404 để kịp sạ, chúng tôi làm đồng loạt để dễ phòng trừ dịch bệnh” - ông Hải nói.

Ông Lê Minh Cảnh, cũng ở xã Vị Tân cho hay, do nước có độ mặn còn nhẹ, không nặng như các nơi khác nên phải xuống giống sớm. Ông Cảnh còn cho biết, bản thân không khỏi lo lắng trước tình trạng mặn xâm nhập nhưng nếu để tháng 4, tháng 5 tới mới làm thì không kịp thời gian làm vụ 3 nên đánh liều xuống giống sớm.

Thống kê của ngành nông nghiệp TP.Vị Thanh, theo lịch, bà con nông dân sẽ bắt đầu gieo sạ vụ hè thu từ đầu tháng 5 tới nhưng hiện đã có 1.600ha lúa đã được xuống giống. Còn huyện Long Mỹ cũng hơn 50ha được gieo sạ sớm.

Cũng như Hậu Giang, nhiều địa phương khác ở ĐBSCL cũng có nhiều diện tích lúa hè thu được gieo sạ trước lịch thời vụ. Chỉ riêng huyện Cầu Kè (Trà Vinh) đã có 593 ha, tập trung ở các xã An Phú Tân, Tam Ngãi và một phần diện tích xã Thạnh Phú. Theo Phòng NNPTNT huyện Cầu kè, những diện tích lúa trên đang trong giai đoạn 35 - 40 ngày tuổi và đã có nhiều diện tích bị thiệt hại nặng do độ mặn trong nội đồng tăng cao.

Hậu quả khôn lường

Nắm bắt thông tin trên, ông Nguyễn Văn Đồng - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, đã đề nghị các địa phương vận động nhân dân không nên gieo sạ sớm. “Riêng những nông dân đã gieo sạ cần có giải pháp quản lý, điều tiết tích trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất, chủ động bơm tát, tránh để ruộng khô, thiếu nước kéo dài” - ông Đồng nói.

PGS-TS Lê Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH.Cần Thơ) cho biết, vấn đề đáng lo lắng hiện nay là nhiều người dân địa phương nghe phía Trung Quốc xả nước đẩy lùi hạn, mặn nên chuẩn bị đất, mạ để làm vụ hè thu. “Chính quyền địa phương phải sớm ngăn chặn, người dân không nên gieo sạ sớm khi hạn, mặn chưa giảm. Nếu việc xả nước này chỉ để có lệ, nguồn nước không đến được hạ lưu ĐBSCL thì cây lúa sẽ chết tiếp” - PGS-TS Lê Anh Tuấn nói.

Ths Nguyễn Văn Ngẫu - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học- Kỹ thuật tỉnh Hậu Giang cho biết: “Nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang chuyển từ cây lúa, cây mía sang khóm, cây ăn trái và áp dụng biện pháp tưới nhỏ giọt, tiết tiệm nước. Nguồn nước này được lấy từ ao mương và được ngăn với nguồn nước mặn bên ngoài sông”.

Về việc tiết kiệm nước trong giai đoạn khô hạn, mặn xâm nhập như hiện nay, PGS-TS Tuấn cho biết, việc tưới nước cho cây trồng cần phải được tính toán kỹ vừa đủ, người dân chỉ tưới cho cây không tưới rộng sang đất, gây lãng phí. Việc tiết kiệm nước này sẽ giúp người dân ít tốn chi phí sản xuất mà còn còn góp phần giúp cho kênh mương còn nhiều nước, mặn khó xâm nhập sâu.

Còn theo GS Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, nông dân nên sống chung, xem hạn, mặn là bạn thay vì tìm mọi cách để ngăn chặn, nhất là người dân ở vùng ven biển. Người dân nên chuyển đổi sản xuất, chuyển diện tích lúa chịu mặn kém, năng suất thấp và không ổn định sang các loại trồng cây chịu mặn cao hơn như củ hành, tỏi, sắn, xoài, nhãn, vú sữa, chuối, dừa...