Dân Việt

Chưa thể mừng với giá cao su đang tăng

Minh Trí 22/03/2016 13:00 GMT+7
Cuối tuần qua, tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), giá cao su đã có 3 phiên tăng liên tục, đạt 1,63 USD/kg, trong khi đó, thị trường trong nước giá cao su tạp cũng tăng 5,5%, cao su chế biến tăng 6% so với ngày 18.3.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), sau 3 năm liên tục giảm giá, cuối năm 2015 giá cao su phục hồi và dự báo, năm 2016 giá cao su sẽ đạt bình quân 1,54 USD/kg và đến năm 2025 sẽ đạt mức 2,09 USD/kg. Hiện nguồn cung cao su thế giới đang giảm khi các quốc gia sản xuất cao su lớn đang thực thi chính sách giảm sản lượng. Riêng năm 2015, sản xuất cao su thiên nhiên đã thấp hơn 0,9% sản lượng. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng bởi El nino cũng làm giảm năng suất và diện tích cao su ở các nước như Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, Indonesia giảm từ 10 - 20%.

img

Mặc dù giá cao su thế giới đang tăng lên nhưng giá cao su trong nước vẫn không có chuyển biến. Ảnh: Cao Thăng

Do giá cao su giảm sâu trong thời gian dài nên tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam, nông dân đã chặt bỏ nhiều diện tích cao su để trồng cây khác. Trong khi đó, lượng tồn kho cao su thế giới đã giảm đáng kể, từ 2,06 triệu tấn năm 2014, xuống còn 1,84 triệu tấn năm 2015. Hiện các quốc gia sản xuất cao su hàng đầu thế giới cũng có xu hướng liên kết, quản lý nguồn cung theo thị trường nhằm cân đối lợi nhuận cho nhà sản xuất và nông dân. Riêng xuất khẩu cao su của Việt Nam tăng chủ yếu nhờ sự phục hồi của thị trường Trung Quốc khi nước này trở thành quốc gia sản xuất lốp ô tô hàng đầu thế giới.

Tuy có những dấu hiệu tích cực nhưng trong cuộc họp tổng kết ngành cao su năm 2015 mới đây, ông Trần Thoại -  Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VGR) nhận xét, giá cao su thiên nhiên giảm mạnh đã ảnh hưởng đến các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của tập đoàn. Theo đó, doanh thu năm 2015 của VGR chỉ đạt 98% kế hoạch; giá bán bình quân năm 2014 đạt 37,3 triệu đồng/tấn, đến năm 2015 chỉ còn 30,5 triệu đồng/tấn. Tình hình này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người lao động và có thể đến tận năm 2020, ngành cao su mới thoát khỏi khó khăn.

Ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, với giá bán như hiện nay, ngành cao su cần thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”, đồng thời cần tận dụng tối đa thế mạnh của mình bằng các sản phẩm sau cao su, chế biến gỗ… Những ngành này có tiềm năng rất lớn và thực tế năm vừa qua đã đem về doanh thu không nhỏ cho VGR.