Trong mùa khô năm nay, nông dân tại nhiều vùng ở Đăk Nông lại tiếp tục phải chống chọi với cơn hạn mới. Tại xã Tâm Thắng, huyện Cư Jut, tuy chỉ mới bắt đầu vào mùa khô nhưng hàng trăm nông dân ở 4 buôn đã phải rất khổ sở tìm nguồn nước để tưới cà phê. Nhiều người chấp nhận vay hàng chục triệu đồng để khoan giếng tìm nước (dù chưa chắc tìm được nước).
Người dân Đăk Nông đang phải tiếp tục chống chọi với tình trạng khô hạn. Ảnh: D.H
Ông Vũ Xuân Quyết- Phó Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng, cho biết, đã có hơn 240ha cà phê, hồ tiêu của gần 400 hộ đồng bào dân tộc thiểu số bị hạn. Nếu bị mất mùa thì số dân này thì nguy cơ đói nghèo, tái nghèo sẽ rất cao.
Số liệu chưa đầy đủ của ngành nông nghiệp Đăk Nông cho thấy, trong mùa khô này, toàn tỉnh đang có hơn 200ha đứng trước nguy cơ mất trắng, gần 800ha cây công nghiệp khác đang trong tình trạng thiếu nước. Dự báo, đến cuối tháng 3 nếu vẫn không có mưa thì sẽ có thêm 19 hồ nữa bị khô nước, và sẽ có thêm khoảng 800ha cây trồng nữa tại các huyện Cư Jut, Đăk Song, Krông Nô chịu ảnh hưởng nặng nề.
Thế nhưng có một nghịch lý đang xảy ra ở chính vùng hạn này. Sau mùa khô năm 2014-2015, tháng 6.2015, Bộ Tài chính đã tạm ứng cho ngân sách tỉnh Đăk Nông 14,9 tỷ đồng để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, từ đó đến nay số tiền này không thể tiêu được.
Tại huyện Krông Nô, nơi bị thiệt hại nặng nề nhất trong mùa khô 2014-2015, Phó Chủ tịch UBND huyện ông Ngô Xuân Đông cho biết, năm ngoái huyện được hỗ trợ 10 tỷ đồng. Tuy tiền đã rót về nhưng huyện phải tạm ứng ngân sách địa phương chi 2 tỷ đồng mua giống hỗ trợ cho nông dân. Riêng 10 tỷ đồng hỗ trợ huyện không thể “đụng” vào được do danh sách diện tích thiệt hại do huyện đưa lên chưa được phê duyệt.
Ông Lê Viết Thuận- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Đăk Nông, thừa nhận, hiện 14,9 tỷ đồng hỗ trợ hạn hán năm 2014-2015 cho tỉnh Đăk Nông vẫn nằm trong kho bạc, chưa chi được đồng nào. Ông Thuận cho biết, nguyên nhân của việc này là do khi thống kê hạn hán, các địa phương chỉ thống kê diện tích, không làm biên bản cụ thể diện tích thiệt hại của từng hộ nên không có cơ sở để chi. Trong khi đó, việc xác minh không thể thực hiện được do mùa khô đã đi qua.
Sau nhiều lần bàn bạc cách... tiêu tiền hỗ trợ, Đăk Nông đã quyết định đề xuất cho phép dùng nguồn nguồn vốn trên để thực hiện giải pháp công trình. Tuy nhiên, tháng 1.2016, Bộ Tài chính không đồng ý giải pháp này mà chỉ cho phép Đăk Nông chuyển nguồn vốn này sang năm sau để hỗ trợ sản xuất cho dân vùng hạn.
Theo ông Đông, nông dân trên địa bàn chủ yếu là trồng cà phê và không thể cứ sau mỗi năm bị hạn lại nhổ đi trồng lại. Do đó việc hỗ trợ mua giống sản xuất cho nông dân là chưa hợp lý. “Theo tôi, việc hỗ trợ trực tiếp chưa thực sự mang lại hiệu quả, nên chuyển nguồn vốn này để đầu tư công trình thủy lợi tính kế lâu dài thì phù hợp hơn”- ông Đông nói.