Dân Việt

Vụ sập cầu Ghềnh: Khó bồi thường đủ thiệt hại

Phương Hà (thực hiện) 22/03/2016 13:30 GMT+7
Các doanh nghiệp vận tải đường sông lựa chọn mức trả phí bảo hiểm thấp nên khi tai nạn xảy ra số tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm bồi hoàn không đủ để bồi thường thiệt haị.

img

Luật sư Thái Văn Cách

PV Danviet đã  trao đổi với Luật sư Thái Văn Cách, từng là Trưởng phòng pháp chế công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Viễn Đông. Ông Cách cho biết:

Cầu ghềnh bị sập, ngoài thiệt hại của những người đi trên cầu bị rơi xuống sông, ngành đường sắt bị thiệt hại do vật chất do đường ray bị phá hủy, thiệt hại kinh doanh bị gián đoạn thì thiệt hại vật chất lớn nhất, có thể tính toán cụ thể được là phải xây dựng lại 2 nhịp cầu bị sập, gia cố lại những phần bị ảnh hưởng do va đập,  theo quy định của pháp luật trách nhiệm bồi thường thuộc chủ sà lan gây ra tai nạn sập cầu.

Nhưng thiệt hại trong vụ sập cầu Ghềnh dự kiến lên tới hàng trăm tỷ đồng. Đây là số tiền quá lớn khó có thể một cá nhân, hay tổ chức nào chi trả hết. Vậy trong trường hợp này, đứng ở góc độ bảo hiểm thì vụ việc sẽ được đền bù ra sao nếu chủ sà lan có, hoặc không mua bảo hiểm?

- Rủi ro, tai nạn trong lĩnh vực giao thông vận tải có nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Để giúp các chủ phương tiện vận tải vượt qua khó khăn khi không may gây tai nạn, Nhà nước đã cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai các loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự trong đó có bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu sông, tàu ven biển.

Theo các quy tắc bảo hiểm áp dụng thông thường trên thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện nay,  nếu mua bảo hiểm, khi không may gây tai nạn, chủ tàu sẽ được các doanh nghiệp bảo hiểm bồi hoàn phần trách nhiệm theo luật định mà chủ tàu phải gánh chịu do tàu được bảo hiểm gây ra bao gồm cả thiệt hại cầu cảng, đê đập, kè cống, bè mảng, giàn đẩy, công trình trên bờ hoặc dưới nước, cố định hoặc di động

Tuy nhiên, dù có mua bảo hiểm thì trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm không phải là vô hạn. Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ bồi hoàn cho chủ tàu trong phạm vi trách nhiệm mà chủ tàu đã mua khi ký kết hợp đồng bảo hiểm.

Cũng xin được nói thêm rằng mặc dù phí bảo hiểm khá thấp so với mức trách nhiệm mà doanh nghiệp bảo hiểm có thể phải gánh chịu nhưng do đây là loại hình bảo hiểm tự nguyện nên đa số các doanh nghiệp vận tải đường sông lựa chọn mức thấp để phải trả phí bảo hiểm ít nên khi tai nạn xảy ra số tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm bồi hoàn cũng không đủ để bồi thường thiệt haị.

Xin cám ơn ông!