Ông Bùi Văn Liển - Phó Chủ tịch UBND xã Dũng Phong cho biết: "Xã có 791 hộ, 90% là người dân tộc Mường. Vài năm trở lại đây, đời sống người dân đã được nâng lên, nhờ đường giao thông thuận lợi...".
Khổ vì đường khó
Cách đây vài năm, đường vào xã Dũng Phong vẫn là đường đất nhỏ. Nắng thì bụi, mưa lại đầy sình lầy. Nhớ lại những ngày phải vật lộn với con đường đất đỏ, sình lầy, anh Bùi Văn Băm (xóm Đồng Mới), hộ SXKD giỏi nói: "Nếu không có điện, đường… thì không thể phát triển được. Trước kia tôi trồng mía, sắn, ngô đến kỳ thu hoạch mời mãi mà không có ai vào mua. Phải "tăng bo" bằng xe trâu ra ngoài đường lớn họ mới mua".
Nhà văn hóa thôn Bãi Bệ 1 khang trang nhờ người dân hiến đất xây dựng. |
Đường xấu, gặp hôm trời mưa, các em học sinh tay dắt xe, tay cầm que chọc đất bám vào bánh xe đạp. "Nhiều hôm đang đi bỗng ô tô lao qua tạt bùn bẩn hết, về thay quần áo thì sợ muộn học, em đành xuống suối rửa sơ rồi đến trường. Nhưng nay thì đường nhựa, đường bê tông vào đến tận xóm rồi, đi lại thuận tiện, làng, xã cũng đẹp hẳn lên" - em Bùi Thị Thanh, thôn Nà Bái phấn khởi nói.
Nhà nước cho tiền, dân góp đất
Từ năm 2000 đến nay, xã Dũng Phong đẩy mạnh xây dựng các tuyến đường liên xã, liên thôn, trên tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhà nước đầu tư vật liệu, người dân góp đất, ngày công… Với cách làm này, đến nay 95% đường giao thông ở Dũng Phong được trải nhựa và bê tông hóa.
"Hiện cả xã có khoảng 16km đường được trải nhựa và bê tông, trong đó có 5km đường nhựa liên xã rộng 3,5m với kinh phí khoảng 300 triệu đồng/km. Các đường bê tông liên thôn đều rộng từ 2 - 2,5m. Không chỉ vậy, 100% các thôn đều có nhà văn hóa khang trang" - ông Liển cho hay.
Theo ông Liển, sở dĩ chỉ trong vòng vài năm Dũng Phong đã cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông nông thôn là nhờ làm tốt công tác dân vận, được người dân nhiệt tình ủng hộ. Trong đó có hàng chục hộ sẵn sàng hiến hàng trăm mét đất vườn để nắn cho đường thẳng, rộng…
Ông Nguyễn Quang Vinh (thôn Bãi Bệ 2), một trong những hộ đã góp gần 30m2 đất làm đường tự hào nói: "Góp đất làm đường cho mình đi, bà con mình đi chứ đi đâu mà thiệt. Ai cũng chỉ nghĩ đến mình, không chịu mất đất lấy đâu ra đường rộng, đường đẹp mà đi. Làm đường mà cứ cong queo như con rắn thì làm làm gì".
Không chỉ góp đất làm đường, nhiều hộ còn góp đất để xây nhà văn hóa thôn, sân chơi cho trẻ em. Ông Bùi Văn Khuyến (thôn Bãi Bệ 1), người góp tới 200m2 đất để xây nhà văn hóa thôn bảo: "Nếu tính ra tiền đền bù là khá lớn, nhưng "vì tương lai con em chúng ta" hiến chút đất có đáng là bao. Nhiều năm nay vì không có kinh phí, không có vị trí làm nhà văn hóa, nên mỗi khi họp thôn hay thanh niên sinh hoạt đều phải mượn nhà dân. Nay được Nhà nước đầu tư vốn, mình không có tiền thì góp đất, bởi nhà văn hóa là "bộ mặt" của cả thôn, mình phải làm cho thôn mình đẹp lên chứ!".
Việt Tùng