Dân Việt

Kênh cạn, nhà nông phải thuê xe ôm bán lúa

Hoàng Hạnh 23/03/2016 13:00 GMT+7
Hạn hán khốc liệt ở mùa khô năm nay ngoài việc làm năng suất lúa giảm, nông dân còn tốn thêm một khoản phí chưa từng có khi muốn bán lúa.

Xe ôm chở lúa: 200.000 đồng/tấn             

Ông Sử Văn Minh – Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cho biết: “Huyện có hơn 28.000ha đất trồng lúa, hiện tại tất cả các con kênh nội đồng đã khô cạn. Thời tiết không thuận lợi khiến cho năng suất lúa không cao, nông dân đã không có lãi nhiều, nhưng còn phải tốn thêm chi phí thuê xe ôm chở lúa ra lộ lớn để bán cho thương lái”.

img

Nông dân phải tốn trên dưới 10.000 đồng/bao lúa thuê xe ôm chở đi bán. Ảnh: Hoàng Hạnh

Theo ông Minh, các năm trước, thương lái đưa ghe vào tận đồng ruộng của bà con để thu mua lúa, với giá dao động trên dưới 4.500 đồng/kg, nhưng năm nay nước dưới các con kênh đã cạn nên ghe không thể vào. Do đó giá lúa cũng có phần thấp hơn trước đây. “Ngành chức năng huyện đã khuyến cáo bà con nên trữ lại lúa khô, đợi đến mùa mưa mới bán nhằm hạn chế những khoản phí không cần thiết. Tuy nhiên những hộ trữ lúa lại chỉ chiếm số ít, vì bà con cần tiền trang trải cho cuộc sống, nên họ buộc lòng phải bán lúa sau khi thu hoạch” – ông Minh nói thêm. 

Ngồi bên đống lúa vừa thu hoạch của gia đình, lão nông Đặng Minh Hùng (56 tuổi, ngụ khóm 2, thị trấn Trần Văn Thời) mếu máo: “Gia đình tôi có gần 1ha đất trồng lúa, nhưng vụ này coi như trắng tay vì phải tốn quá nhiều chi phí cho việc sản xuất”.

“Giá thuê xe ôm vận chuyển ra lộ phải mất trên dưới 10.000 đồng cho mỗi bao lúa. Sống gần hết đời người, tôi chưa bao giờ thấy cảnh nông dân phải trắng tay như hiện nay”.

Nông dân Lê Văn Sang

Ở huyện Trần Văn Thời không chỉ có gia đình ông Hùng là thua lỗ, mà hấu hết bà con nông dân đều lâm cảnh tương tự. “Các chú coi bây giờ muốn bán lúa, nông dân chúng tôi phải “chơi sang” là thuê xe ôm chở lúa ra các điểm tập kết ngoài lộ lớn mới bán được. Bình quân mỗi tấn lúa chúng tôi phải tốn gần 200.000 đồng cho việc thuê xe ôm, tùy vị trí xa gần mà giá thuê khác nhau” – ông Hùng than.

Nông dân Lê Văn Sang than thở: “Giá thuê xe ôm vận chuyển ra lộ phải mất trên dưới 10.000 đồng cho mỗi bao lúa. Sống gần hết đời người, tôi chưa bao giờ thấy cảnh nông dân phải trắng tay như hiện nay”.

Chi phí tăng mạnh

Ông Đinh Văn An (ngụ ấp 4, xã Trần Hợi) lắc đầu nói: “Thiên tai ác liệt quá, thiếu nước nên cây lúa héo hon, mỗi công đất thu hoạch chưa đầy 30 giạ lúa, trong đó lúa lép hạt chiếm hết vài kg”.

Người trồng lúa ở địa phương này tính toán rằng họ phải tốn gần 1,2 triệu đồng/công cho lúa giống, phân bón, thuốc trừ sâu… nhưng khi thu hoạch đạt chưa đầy 700 kg/công. Với giá lúa 4.400 đồng/kg như hiện nay, cộng thêm khoản phí vận chuyển thì họ gần như hết tiền lãi.

Ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau cho biết, hiện tượng El Nino sẽ còn tiếp tục kéo dài và ảnh hưởng  xấu cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Ngoài các vùng ngọt hóa, diện tích lúa bị thiệt hại thì triều cường cũng diễn biến phức tạp. Hiện nắng nóng và xâm nhập mặn đã gây thiệt hại hơn 20.000ha trong tổng số hơn 35.000ha lúa gieo cấy trên đất nuôi tôm Cà Mau.

“Huyện đã có văn bản đề nghị hỗ trợ tiền cho nông dân bị thiệt hại khi UBND tỉnh công bố thiên tai. Theo đó hộ dân có diện tích lúa bị thiệt hại từ 70% trở lên sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha, dưới 70% sẽ được hỗ trợ 1 triệu/ha” – ông Sử Văn Minh thông tin.

Nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), để chuẩn bị vụ hè thu 2016, các địa phương cần chú ý- các vùng không đủ lượng nước cho sản xuất cần có phương án chuyển từ cơ cấu sản xuất 3 vụ sang 2 vụ, hoặc bố trí dịch chuyển khung thời vụ sản xuất cho phù hợp để tránh hạn; đẩy mạnh chuyển đổi những vùng thiếu nước sang cây trồng cạn ngắn ngày để tăng hiệu quả sản xuất và tiết kiệm nước. Đặc biệt, vùng không có khả năng tưới tiêu thì chuyển đổi mùa vụ hoặc dừng sản xuất để tránh thiệt hại do hạn hán gây ra.

Về lâu dài, các địa phương đang sản xuất 3 vụ/năm như Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa cần tính toán hiệu quả sản xuất 3 vụ lúa bấp bênh chuyển đổi sang 2 lúa (vụ đông xuân và hè thu) an toàn hơn, hiệu quả hơn hoặc chuyển sang 1 hoặc 2 vụ rau, màu… có hiệu quả cao.

Đối với các tỉnh sản xuất 2 vụ lúa/năm như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên và Bình Định tiếp tục rà soát nguồn nước, kênh tưới để điều chỉnh lịch xuống giống.

Các xã, huyện trung du, miền núi có nước tưới vụ hè thu bấp bênh cần nghiên cứu chuyển dịch thời vụ xuống giống muộn hơn và sử dụng giống ngắn ngày để né tránh mưa cuối vụ, hoặc chuyển đổi sang cây trồng cạn ngắn ngày.

A.T