Theo nguồn tin riêng của PV Pháp Luật TP.HCM, Ban Nội chính Trung ương đang làm rõ các dấu hiệu vi phạm tố tụng, đồng thời đề nghị xem xét giám đốc thẩm một vụ án tham nhũng ở Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT).
Ép chung chi rồi chối
Vụ án này liên quan đến ông Nguyễn Đức Trung - Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa, Sở VH-TT&DL tỉnh BR-VT. Theo đó, tháng 11.2011, Công ty Quảng cáo Phước Sơn (TP.HCM) tố cáo ông Trung có hành vi tiêu cực, tham nhũng trong việc cấp phép quảng cáo đến Cơ quan CSĐT (PC46) Công an tỉnh BR-VT. Gần một tháng sau PC46 ra quyết định khởi tố vụ án xảy ra tại Sở VH-TT&DL. Ngày 14.5.2012, PC46 ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Trung về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo Điều 280 BLHS.
Tuy nhiên, VKS tỉnh không phê chuẩn lệnh bắt tạm giam mà cho ông Trung được tại ngoại. Cáo trạng của VKS cũng thay đổi tội danh ông Trung thành tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 281.
PC46 xác định Trung tham mưu đề xuất cấp đến 26 giấy phép quảng cáo. Song VKS tỉnh chỉ xem xét chứng cứ để truy tố Trung đối với ba giấy phép còn lưu trữ tại Sở VH-TT&DL. VKS cho rằng bị can chỉ chiếm hưởng 40 triệu đồng mà Công ty S. chuyển cho bị cáo, trong khi lệ phí thực nộp chỉ 1,2 triệu đồng.
Tại phiên sơ thẩm, Trung nói không chiếm đoạt mà tiền này là Công ty S. cho mượn. Tuy vậy, giám đốc Công ty S. khẳng định: “Ông Trung liên tục gây khó dễ, o ép và buộc phải nộp số tiền rất cao. Vì vậy, chúng tôi phải chuyển cho Trung hơn 100 triệu đồng”.
HĐXX nhận định cáo trạng truy tố Trung về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn là có căn cứ. Hành vi phạm tội của Trung rất rõ. Các chứng cứ thể hiện Trung nhiều lần nhận tiền của Công ty S. nhưng bị cáo vẫn ngụy biện.
Bị cáo Nguyễn Đức Trung tại phiên xử sơ thẩm. Ảnh: TK
Được chuyển giam thành treo
“Lời khai của bị cáo về việc Công ty S. cho mượn tiền là dối trá. Như vậy, bị cáo khai báo quanh co nhằm chối tội” - bản án sơ thẩm ngày 19.3.2015 của TAND tỉnh BR-VT nhận định.
Chính do chối tội nên Trung không được hưởng các tình tiết giảm nhẹ. Vậy nhưng tòa chỉ tuyên phạt Trung một năm tù giam và yêu cầu Trung bồi thường 40 triệu đồng cho Công ty S.
Sau đó, Trung vẫn cho là mình bị oan nên kháng cáo. Giữa tháng 12.2015, TAND cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm. Tại phiên xử này, Trung thừa nhận hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm đã nêu nhưng xin được hưởng án treo vì gia đình có công cách mạng, bản thân bị cáo có nhiều bằng khen, đã nộp lại số tiền chiếm đoạt.
Đại diện VKS cấp phúc thẩm cho rằng không có căn cứ chấp nhận kháng cáo nên đề nghị HĐXX giữ nguyên mức hình phạt. HĐXX cũng nhận định: “Lợi dụng nhiệm vụ được giao, bị cáo đã sách nhiễu, o ép Công ty S. nếu muốn được cấp phép quảng cáo tại BR-VT thì phải nộp tiền cao hơn quy định. Sau đó, bị cáo chiếm hưởng số tiền này…”. Vì vậy, tòa sơ thẩm kết luận bị cáo phạm tội và xử phạt một năm tù là có căn cứ.
Tuy nhiên, HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng: Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo đã tỏ ra ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, xuất trình giấy xác nhận gia đình có công cách mạng, bản thân bị cáo được Thủ tướng, bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, chủ tịch tỉnh tặng nhiều bằng khen… Bị cáo có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Do đó, HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo và cho bị cáo hưởng án treo, thời gian thử thách 24 tháng.
Xử quá nhẹ?
Trước vụ án tham nhũng bị teo tóp này, nguồn tin của PV cho biết Ban Nội chính Trung ương đang vào cuộc làm rõ các dấu hiệu vi phạm tố tụng và đề nghị xem xét giám đốc thẩm vụ án. Trong đó, các tòa truy tố không đúng khung hình phạt, bỏ lọt tội phạm. Bởi bị cáo có hành vi phạm tội nhiều lần, HĐXX cấp sơ thẩm phải xét xử ở khoản 2 Điều 281 Bộ luật Hình sự (mức án 5-10 năm tù) nhưng vẫn áp dụng khoản 1 điều này để tuyên phạt một năm tù. Việc áp dụng khoản 1 đã là có lợi cho bị cáo. Ngoài ra, đây là vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng kiến nghị và giao cho Tỉnh ủy BR-VT chỉ đạo xử lý nhưng cơ quan tố tụng xử lý quá nhẹ. Đã vậy, đến cấp phúc thẩm lại cho hưởng án treo đối với bị cáo phạm tội tham nhũng là thiếu kiên quyết trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Để làm rõ vụ việc, PV đã nhiều lần liên hệ với tòa phúc thẩm song nhiều lần hẹn, PV vẫn chưa liên hệ được với người có trách nhiệm và chủ tọa phiên xử phúc thẩm.
Sơ thẩm xử đã có lợi cho bị cáo Tại phiên xử, đại diện VKS xét xử phúc thẩm nhận định tòa cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất hành vi phạm tội và xử bị cáo 12 tháng tù là tương xứng. Ở phiên phúc thẩm, bị cáo nại ra tình tiết giảm nhẹ mới. Tuy nhiên, mức án mà tòa sơ thẩm đã tuyên là không nặng và đã có lợi cho bị cáo nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo. VKS đề nghị HĐXX giữ nguyên mức hình phạt. Ông Nguyễn Đức Thái, kiểm sát viên VKSND cấp cao tại TP.HCM, tham gia phiên tòa phúc thẩm PC46 xác định Trung và con gái nhận hơn 128 triệu đồng từ Công ty S. Tiền chuyển cho Trung thông qua tài khoản con gái Trung. Ngoài đơn tố cáo của Công ty S., quá trình điều tra PC46 còn nhận được đơn của nhiều công ty khác như TL, TBD, AM, KS, AQ, NT, TAT… tố ông Trung đã nhũng nhiễu, yêu cầu họ như chung chi tiền mới được cấp giấy phép quảng cáo. Tuy nhiên, cơ quan điều tra tách ra để điều tra, xác minh riêng. |