Dân Việt

Ca sĩ muốn hát phải xin phép trực tiếp tác giả?

Trần Việt Phương 24/03/2016 14:07 GMT+7
Chuyện các đơn vị, cá nhân sử dụng tác phẩm âm nhạc phải xin phép trực tiếp các tác giả đã được xới lên trong cuộc tọa đàm của Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam vào sáng 24.3 tại Hà Nội.

Sáng 24.3, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã tổ chức cuộc gặp gỡ các nhạc sĩ, báo chí để tọa đàm về một số nội dung liên quan đến Nghị định 79/2012/ NĐ-CP sau sửa đổi về quy định về biểu diễn nghệ thuật.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương- Giám đốc VCPMC cho biết: “Trách nhiệm của chúng tôi là giúp các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoạch định và thực hiện chính sách bản quyền tác giả. Tuy nhiên hiện nay các nhạc sĩ vẫn cảm thấy rất khó khăn trong việc thực thi luật. Luật tác quyền và hướng dẫn luật còn quá chung chung và chưa đi vào các vấn đề, chủ thể chính”.

Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, đơn cử như việc trong văn bản yêu cầu các vị tổ chức chương trình cần phải cam kết về việc sẽ tuân thủ theo luật bản quyền, tuy nhiên việc cam kết với ai, hay đơn phương cam kết thì chưa được ghi rõ. Điều này cũng cản trở việc thực hiện quyền tác giả của các nhạc sĩ.

img

Buổi toạ đàm sáng 24.3 tại Hà Nội.

Nhạc sĩ cũng nêu ra bất cập của hướng dẫn Nghị định 61 của Chính phủ (nay đã thay thế bằng nghị định 21/2015/NĐCP) rằng tác giả các tác phẩm âm nhạc không được phép lấy tiền bản quyền nếu chương trình sử dụng tác phẩm đó vào mục đích chính trị, điều nay gây khó khăn cho các tác giả trong việc đòi quyền tác giả của mình đối với các chương trình nghệ thuật.

Phía đại diện Sở Văn hóa Hà Nội cho hay: “Cơ quan quản lý luôn ủng hộ các tác giả nhưng phải dựa trên cơ sở pháp lý. Đề nghị VCPMC có kế hoạch xây dựng biểu giá về tiền tác quyền của các tác phẩm nhằm đảm bảo các cơ chế pháp lý cần thiết”.

Vấn đề xây dựng biểu giá cụ thể cho tác phẩm của các nhạc sĩ, nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết:

"Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có lần hỏi tôi, nếu bây giờ các tác giả định giá quá cao, gây ảnh hưởng tới quyền được thưởng thức văn hóa của xã hội thì sao?". Tôi cũng đặt lại một câu hỏi rằng: "Bao lâu nay các ca sĩ cũng lấy cát xê rất cao, tới cả 100- 200 triệu đồng cho 1 lần biểu diễn, tại sao các cơ quan chức năng không làm rõ để tránh ảnh hưởng tới quyền lợi được thưởng thức âm nhạc của xã hội?  Tại sao chúng tôi là những người là chủ của các tác phẩm lại khó khăn trong việc đòi quyền lợi của mình như vậy?

Về điều khoản bổ sung vào Nghị định 79, có quy định bên tổ chức cần phải có văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.

Tức là cam kết của đơn vị tổ chức chương trình cần phải làm việc trực tiếp với các nhạc sĩ, chủ sở hữu quyền tác giả. Trong năm tới, khi VCPMC trao đổi với hội đồng cố vấn sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các ca sĩ về trách nhiệm của mình trong việc thực thi tác quyền của tác giả tác phẩm được sử dụng.

Cụ thể, người sử dụng tác phẩm (người tổ chức chương trình và ca sĩ) phải xin phép trực tiếp các tác giả".

Các nhạc sĩ có mặt tại buổi tọa đàm cho rằng, trách nhiệm của ca sĩ phải là những người đi đầu trong việc thực hiện việc tôn trọng tác quyền của tác giả.