Dân Việt

Tiết lộ nội dung người dân phản ánh qua đường dây nóng của Bí thư Thăng

Hứa Phương 24/03/2016 17:37 GMT+7
Chánh văn phòng Thành ủy TP.HCM đã tiết lộ con số tiếp nhận và nội dung người dân phán ánh qua đường dây nóng của Bí thư Thăng sau một tháng hoạt động.

Tại cuộc họp báo định kỳ của UBND TP.HCM chiều 24.3, bà Thái Thị Bích Liên - Chánh Văn phòng Thành ủy TP.HCM cho biết sẽ vẫn giữ số điện thoại đường dây nóng 0888.247.247 để tiếp nhận thông tin, phản ánh của cán bộ, đảng viên và nhân dân gửi đến lãnh đạo Thành phố.

img

Bà Thái Thị Bích Liên - Chánh Văn phòng Thành ủy TP.HCM tiết lộ nội dung người dân phản ánh qua đường dây nóng của Bí thư Thăng.

Theo bà Liên thì trong vòng 1 tháng hoạt động số điện thoại đường dây nóng 0888. 247. 247 đã tiếp nhận 5.933 cuộc gọi. Trong đó có 3.480 cuộc gọi có đầy đủ địa chỉ, chiếm khoảng 58%. Những cuộc đến đường dây nóng phán ánh đầy dủ mọi hoạt động của Thành phố.

Cụ thể các vấn đề quản lý đô thị là trên 20%, an ninh trật tự trên 14%, khiếu nại tố cáo hơn 10%, kinh tế gần 6%, môi trường khoảng 5,4%, văn hóa xã hội 3,4%, cải cách hành chính 1,29%, xây dựng Đảng 0,29%. Số còn lại hỏi về thủ tục hành chính, chúc mừng, đặc biệt tỷ lệ nhà máy chiếm hơn 11%. Ngoài ra còn có hơn 4.000 tin nhắn gửi đến.

Cũng theo bà Liên thì Thành ủy vấn giữ số điện thoại đường dây nóng là 0888. 247. 247, khi người dân gọi hoặc nhắn tin tới số đường dây nóng thì cuộc gọi, tin nhắn sẽ được tự động chuyển đến hệ thống tổng đài 1022. Tổng đài 1022 hiện do Tổng Công ty Điện lực quản lý và tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân. Ngoài ra người dân cũng có thể gửi phản ánh của mình đến địa chỉ thư điện tử duongdaynong@tphcm.gov.vn.

Phản ánh của người dân sẽ được phân loại 2 lĩnh vực cơ bản: Xây dựng Đảng và quản lý Nhà nước. Những thông tin này sẽ được chuyển đồng thời về Văn phòng Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Văn phòng UBND Thành phố. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy sẽ kiểm tra, giám sát việc xử lý thông tin tiếp nhận của Văn phòng UBND Thành phố và Văn phòng Thành ủy Thành phố. Thông tin người dân phản ánh đến sẽ được chia ra làm 5 cấp độ, việc phản hồi cho người dân do Văn phòng Thành ủy hoặc Văn phòng UBND Thành phố thực hiện.

Cụ thể với cấp độ 1: Điện thoại viên trực tiếp hướng dẫn ngay khi tiếp nhận thông tin. Cấp độ 2: Trực tiếp chuyển thông tin đến thủ trưởng các đơn vị có liên quan để xử lý kịp thời và phản hồi ngay cho người dân, đồng thời tiếp tục phản hồi cho người phản ánh thông tin khi nhận được kết quả giải quyết của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Cấp độ 3: Tham mưu văn bản báo cáo lãnh đạo Thành phố xin ý kiến về chuyển nội dung phản ánh đến các cơ quan có liên quan để phối hợp xử lý và phản hồi ngay cho người phản ánh. Cấp độ 4: Thẩm định chặt chẽ đối với thông tin phản ánh, phối hợp các cơ quan có liên quan chuẩn bị nội dung, thời gian và tham mưu lãnh đạo Thành phố tổ chức tiếp xúc, đối thoại với tổ chức, công dân đã đăng ký. Cấp độ 5: Tổng hợp, nghiên cứu đề xuất lãnh đạo Thành phố chỉ đạo tiếp thu; đồng thời tham mưu thư cảm ơn đối với các tổ chức, công dân đã góp ý, hiến kế.