Tình yêu vô bờ
Cầu Vòi nằm trên QL 21A, về phía Nam TP.Nam Định 5km. Sẽ chẳng có gì để nói đến địa danh này ngoài cái tên nghe khá lạ của nó. Nhưng chục năm trở lại đây, “dân chơi” khắp nơi biết đến khu vực này và ưu ái gọi bằng cái tên đặc trưng: Phố Thịt Chó, cũng bởi trên đoạn đường ngắn, có hàng chục nhà hàng san sát nhau chuyên kinh doanh món khoái khẩu của dân nhậu, đó là thịt chó và thịt mèo. Thoạt nghe thì chẳng thấy liên quan gì đến môn thể thao Vua ở khu vực này.
Tuy nhiên, cũng với tình yêu bóng đá vô bờ, ông Nguyễn Duy Vụ - chủ nhà hàng thịt chó khá lớn tại đây đã chi gần 1 tỷ đồng san lấp, xây dựng sân cỏ nhân tạo đầu tiên tại huyện Nam Trực, đi vào hoạt động vào năm 2013 với cái tên Duy Vụ.
Bình luận viên Trần Quang Long “tác nghiệp” tại một trận đấu. Ảnh: Hồng Châu
Mình đam mê bóng đá, thấy phong trào phát triển mạnh nên quyết định đầu tư sân bóng. Làm kinh tế là một phần, nhưng tạo dựng cho anh em sân chơi lành mạnh là vui rồi”. |
Trước đây, các CLB trong huyện muốn giao lưu phải cất công di chuyển lên sân cỏ nhân tạo COTONKIN tại TP.Nam Định. Nhưng khi huyện có sân cỏ nhân tạo, mọi chuyện thay đổi hoàn toàn. Đầu tiên là số lượng CLB bóng đá trong huyện tăng vọt, thậm chí riêng xã Nam Trấn gần vị trí sân Duy Vụ có tới 13 CLB bóng đá. Do phong trào phát triển mạnh, sân gần như quá tải. Hiện toàn huyện Nam Trực đã có hơn 30 CLB bóng đá phong trào.
Nói chuyện với ông chủ quán thịt chó kiêm chủ sân bóng gần tỷ đồng, ông cười hiền: “Mình đam mê bóng đá, thấy phong trào phát triển mạnh nên quyết định đầu tư sân bóng. Làm kinh tế là một phần, nhưng tạo dựng cho anh em sân chơi lành mạnh là chính”.
Chơi nghiệp dư, ý thức chuyên nghiệp
Nếu huyện Hải Hậu vang danh với phong trào bóng chuyền rất mạnh thì Nam Trực lại phát triển môn bóng đá. Trong thời đại công nghệ, truyền thông, người dân thôn quê đã thường xuyên được theo dõi các giải bóng đá chuyên nghiệp nước ngoài như Giải Ngoại hạng Anh, giải vô địch Italia, giải bóng đá Pháp, Đức và đương nhiên là cả V.League. Vì vậy, việc các cầu thủ thuộc tên, tiểu sử của các cầu thủ nước ngoài không còn là chuyện lạ.
Đã theo dõi, tiếp xúc với những nền bóng đá chuyên nghiệp, các cầu thủ cũng tự ý thức sự chuyên nghiệp. Anh Nguyễn Văn Chiền (38 tuổi) - cựu cầu thủ kiêm HLV Trưởng CLB bóng đá Nam Trực, Chủ tịch CLB bóng đá Lan Chiền cho biết: “Thành lập năm 2011, sau 5 năm hoạt động, mọi thành viên trong CLB luôn chấp hành nội quy do ban lãnh đạo đề ra. Tôi luôn nói với anh em: Mình chơi bóng nghiệp dư, nhưng phải cố gắng giữ phong cách chuyên nghiệp, phần vì giữ cho hình ảnh chính mình, phần là giữ sự cao thượng trong thể thao”. Và sự chuyên nghiệp ấy đã lan khắp mặt sân khi mỗi trận đấu, các khán giả được lắng nghe giọng bình luận sôi nổi của anh Trần Quang Long- một bình luận viên rất được yêu thích của sân Duy Vụ.
Giọng bình luận của anh luôn đưa khán giả qua nhiều trạng thái cảm xúc, từ sâu lắng tới vỡ òa khi một cầu thủ trên sân ghi bàn. “Mình phải thường xuyên cập nhật thông tin bóng đá trong nước cũng như quốc tế để đưa đến khán giả sự đa dạng trong bình luận, tránh chỉ bình luận một chiều về các tình huống trên sân, dễ gây nhàm chán”- anh Long tâm sự. Với chiếc điện thoại luôn “lướt web”, bất cứ thông tin thể thao mới nhất nào được đăng tải cũng được anh Long cập nhật kịp thời. Thậm chí, anh còn nắm rất rõ lai lịch, đời tư của rất nhiều cầu thủ.