Dân Việt

Tường trình từ biển Đông: Lênh đênh trên sóng dữ săn cá ngừ

18/07/2011 12:12 GMT+7
(Dân Việt) - Phóng viên Dân Việt đã có những ngày lênh đênh trên sóng dữ để quay cuồng với những mẻ câu cá ngừ với ngư dân. Vùng biển Nam Trường Sa mùa này đầy dông và lốc...

Tháng 6, biển bắt đầu động. Mặc nó, sau ngày Tết Đoan Ngọ (5.5 ÂL) bến cá phường 6 TP.Tuy Hòa (Phú Yên) quê hương nghề câu cá ngừ đại dương nhộn nhịp khác thường, với cả trăm chiếc tàu câu gấp gáp rời bến. Tôi cũng có cái vinh dự được ra khơi trong dòng tàu ấy, trên chiếc tàu PY90479 TS của thuyền trưởng Phan Văn Giành cùng 9 bạn nghề.

img
Kéo cá ngừ lên boong tàu, giây phút hạnh phúc nhất cuộc câu.

Chuyến này tàu chúng tôi đi về vùng biển Nam Trường Sa. Mùa này vùng ấy đầy dông và lốc, trong bản tin từ Trung tâm Thông tin Duyên Hải luôn có đoạn “biển động… trong cơn dông đề phòng…”.

Cá ngừ đại dương hình như thích sóng gió, có lẽ chính sóng gió tạo nên những tố chất đặc biệt cho giống cá ấy để nó trở nên đắt đỏ, thành cái đích cho hàng vạn ngư dân, cho họ sự no ấm cũng như bao nỗi thống khổ.

Nỗi lo dông và tàu lạ

Câu ngừ giờ “sang trọng” hơn xưa, dùng cá mực tươi làm mồi câu, những con mực nặng trên 100gam. Mỗi mẻ câu cần đến hơn 100kg mực tươi làm mồi. Thật háo hức khi bước xuống tàu theo chuyến biển dài cả tháng với chặng đường đến 2.500 hải lý (hơn 4.000km). Khó ngờ rằng chuyến đi lại quá gian nan và hiểm nguy cùng cái kết không được hậu cho những người bạn đồng hành trên tàu.

Trận dông đầu tiên chúng tôi gặp vào chiều 8.6.2011, ngày thứ hai của chuyến hải hành, từ đó liên miên dông. Thật may suốt chuyến đi chúng tôi không gặp “tàu lạ”, nhưng hai lần bị “máy bay lạ” quần thảo, rà sát trên đầu.

img
Ngàn dặm khơi đầy dông gió.

Một ngày, tàu chúng tôi bị hỏng máy lần đầu. Không dễ chịu gì với cái nạn này, cứ 10 vụ tai nạn trên biển của ngư dân thì có đến 8 vụ bắt đầu bằng… máy tàu hỏng. Con tàu của anh Giành đến kỳ kiệt, sửa xong cái này lại hỏng cái khác, có mẻ lưới phải dừng sửa máy đến 3 lần. Đến giữa hành trình cái bộ đàm cũng hỏng, nó hỏng giữa những ngày dài không cá, phí tổn chuyến đi chưa đủ, con tàu ốm vẫn phải vật vã chạy tìm ngư trường bủa câu tiếp.

Mẻ câu đầu tiên

Sáng 11.6, khi cơn bão đầu tiên trên Biển Đông bắt đầu tan, cũng là lúc chúng tôi chuẩn bị bủa mẻ câu của chuyến đi. Mọi sự chuẩn bị đã hoàn tất thì việc bủa câu phải dừng lại. Mới nghe tiếng phành phạch hơi lạ, thò đầu ra nhìn đã thấy chiếc máy bay lù lù ngay trên đầu.

Chiếc máy bay quần thảo 3 vòng quanh con tàu, chỉ cách mặt biển chừng 100m, bằng mắt thường còn nhìn thấy phi công trong ca bin. Tàu đang ở cách đảo An Bang (quần đảo Trường Sa) chừng 35 hải lý về phía nam, chắc chắn vẫn trong vùng biển VN, không xâm phạm hải phận nước nào. Cái cách quần thảo ấy không cho thấy dấu hiệu thân thiện.

Hội ý nhanh, anh em thống nhất: Nhích lên một tý, về gần đảo ta, có gì còn dựa vào bộ đội. Thêm 2 giờ nổ máy chạy 10 hải lý về phía đảo An Bang, 13 giờ mới bắt đầu bủa câu, cũng là lúc những trận dông chiều đổ về. Dông biển đến nhanh như điện. Gió như quất, mưa như hắt nước vào mặt. Bình thường biển đã động rồi, nay thêm dông, những cột sóng lừng lững cao hơn nóc tàu sầm sập đổ xuống không biết mỏi.

Hướng bủa câu cắt chéo sóng thành thử dù bủa hay kéo cũng đều như bị ngược sóng. Lúc dông, tàu chạy vượt nghiêng như vượt qua con đê nước. Trườn chéo lên đỉnh, nghiêng mình lao xuống, tưởng như sắp nghe tiếng “ục” rồi mất tăm vào lòng biển thì giật một cái, cả tàu lật nghiêng theo hướng ngược lại, bò tiếp qua đỉnh sóng mới.

Hai mẻ câu tiếp sau, biển vẫn động dữ dội nhưng… có thêm 5 chú bò gù. Chuyến đi đã có sự khởi đầu đầy gian khó và… suôn sẻ. Nhưng sự suôn sẻ chỉ đến thế là dừng lại dành chỗ cho những bất trắc...

Mỗi lần giật nghiêng như thế… đồ đạc nhảy múa, xong nồi, bát đĩa hò reo. Ngoài boong tàu 9 anh em thuyền viên như những cái bóng chao lắc trong gió mưa. Không hiểu sao họ vẫn đứng được để móc mồi, ráp thẻo, bủa chiên. Hơn 4 giờ vật lộn trong mưa dông đến 17 giờ 30 thì mẻ câu đầu tiên bủa xong. Những con người ướt mèm, xám ngoét, lập cập vào khoang tàu.

Nhưng hơn 500 lưỡi câu đã đi qua mà không được con cá nhỏ, tôi đã nghĩ đến sự khởi đầu không suôn sẻ thì thấy cá. 7giờ 20 phút, tiếng “cá” đầu tiên reo lên, rồi đến… Bò… gù… ngư dân Phú Yên vẫn gọi con cá ngừ đại dương đơn giản như thế. Cả tàu xao động, những vòng lượn cuối cùng của con cá khép lại theo sợi dây câu thu dần về.

Cái móc sắt từ tay thuyền trưởng Giành lao xuống khóa cứng nó lại, thêm một cái móc nữa để kéo bật con cá lên boong tàu. Con cá thật đẹp, đến 40kg. Gần cuối thêm 3 chú bò gù nữa đều hơn 30kg, đủ để người ta “mua vé máy bay” cho chúng xuất ngoại.

Bài 2: Ánh đèn côi cút