Đã ở tuổi 74 nhưng khán giả vẫn thấy bà cùng cây đàn tranh xuất hiện đều đặn tại các sân thơ, sân khấu nhỏ…
Sống đàng hoàng bằng nghệ thuật
Ngôi nhà nhạc sỹ Thuận Yến sống những năm cuối đời nằm khuất sâu trong con ngõ trên đường Đê La Thành. Trước mặt ngôi nhà là một khu vườn nhỏ đầy màu sắc của các loài hoa được tự tay NSƯT Thanh Hương bài trí. Bà cho biết, chồng bà - nhạc sỹ Thuận Yến sống thanh bạch, hiền lành nên mọi việc trong gia đình đều một tay bà lo liệu.
Gia đình hạnh phúc của nghệ sỹ đàn tranh Thanh Hương
Cả cuộc đời ông ít phải lo nghĩ, chỉ chuyên tâm cho âm nhạc. Bằng sự chịu khó xoay xở, bà đã lo liệu cho gia đình có cuộc sống đàng hoàng bằng những đồng tiền kiếm được từ nghệ thuật. NSƯT Thanh Hương từng giữ chức Trưởng đoàn Dân tộc Đài Tiếng nói Việt Nam nhưng cuộc sống vẫn rất vất vả. Đến 50 tuổi, bà xin nghỉ hưu để cùng cây đàn tranh ngang dọc các sân thơ, làm kinh tế nuôi gia đình.
Hơn thế, quyết định xin nghỉ hưu sớm này của bà còn được NSƯT Thanh Hương giải thích, đó là sự hy sinh để nhạc sỹ Thuận Yến thuận lợi trong công việc. Tính ông hiền lành, bà sợ người đời dị nghị những quyết định của ông khi giữ chức Trưởng ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam đều do vợ xui khiến. Và bà chấp nhận “hy sinh một chiến sỹ để chiến sỹ còn lại thành anh hùng”.
Vào khoảng những năm 1980, 1990, phong trào ngâm thơ đang thịnh, sẵn có nghề đệm đàn tranh trong tay, bà học thêm ngâm thơ, hát dân ca và sẵn sàng trở thành nghệ sỹ hát lót trong chương trình. Nhưng muốn kiếm được tiền của thiên hạ không đơn giản. Tranh thủ những lúc chồng con đi làm, đi học, bà tập diễn, tập hát và bắt đầu có những buổi diễn. Diễn lâu thành quen, bà có tiếng và làm không hết việc.
NSƯT Thanh Hương đã lo liệu đủ tiền cho con cái ăn học, cho chồng không bị phân tâm, chuyên tâm cho sáng tác bằng chính sự năng động và đam mê cùng nghệ thuật. Có điều, những việc làm ấy bà đều giấu chồng, giấu con để học, để làm. Đến khi nhạc sỹ Thuận Yến về hưu, ông mới biết đến sự đảm đang của bà trong suốt thời gian đã qua.
Ông tỏ ra ngạc nhiên khi biết vợ có thể vừa ngâm thơ vừa đánh đàn, vừa hát dân ca lại diễn được cả kịch. Vì thế, khán giả sẽ không ngạc nhiên tại các chương trình nói chuyện của nhạc sỹ Thuận Yến một thời, luôn có sự song hành của bà. Nhạc sỹ Thuận Yến cầm đàn guitar hát. Vợ ông ngâm thơ, kể chuyện về các giai thoại liên quan đến ca khúc nổi tiếng của ông. Bà nói hay, cuốn hút nên người nghe như bị hớp hồn. Ông và bà đã có những buổi giao lưu nghệ thuật kiếm bội tiền nhờ vào cái tài của cả hai người.
Đứng sau những người nổi tiếng
Vì ngâm thơ nên NSƯT Thanh Hương sưu tầm và mang về nhà rất nhiều tác phẩm hay. Nhờ đó, chồng bà có được nguồn tư liệu phong phú để chắp cánh cho những vần thơ bay lên cùng những nốt nhạc. Như bài “Gửi em ở cuối sông Hồng”, ban đầu nhạc sỹ Thuận Yến định phổ thơ cho một giọng nhưng bà đã khuyên chồng nên phổ thơ cho hai giọng và đến nay, ca khúc đã gắn bó với nhiều thế hệ người nghe. Và cũng nhờ vào sự đa tài của bà, cô con gái lớn đã đến với nhạc nhẹ rất tự nhiên và hát ngọt lành đến vậy.
Gia đình hạnh phúc của nghệ sỹ đàn tranh Thanh Hương
Diva Thanh Lam đã có thời gian cùng mẹ đi ngâm thơ ở khắp các sân khấu. Bà luôn dạy Thanh Lam và Trí Minh rằng: “nhà mình không có tài buôn bán nên phải chăm chút cho nghệ thuật. Làm cái gì cũng phải quay quắt vì đam mê mới hy vọng thành công”. Nhìn vào tấm gương của mẹ, hai người con của vợ chồng nhạc sỹ Thuận Yến - Thanh Hương đều trở thành ca sỹ, nhạc sỹ có tiếng trong giới âm nhạc. Bà luôn tự hào vì sự hy sinh của mình đã tạo điểm tựa vững chắc cho chồng con phát triển sự nghiệp.
Từ ngày nhạc sỹ Thuận Yến ra đi, bà sống một mình trong căn nhà đầy ắp kỷ niệm của gia đình. Cậu con trai út Trí Minh cùng vợ con sang định cư tại Đan Mạch. Còn Diva Thanh Lam nhiều lần mời mẹ chuyển sang ở cùng chị nhưng bà đều từ chối. Giờ đã có tuổi nhưng nghệ sỹ Thanh Hương không ngừng nghỉ hoạt động tại các sân khấu thơ, các buổi khao thọ... Có tiền là bà làm từ thiện, mời bạn bè đến nhà ăn uống rôm rả.
Thấy bà rảnh rỗi, bạn bè mời nghệ sỹ Thanh Hương đầu tư bất động sản, vừa chơi vui vui lại biết đâu “trúng độc đắc”. Bà lắc đầu và giải thích: “Nhà tôi chỉ biết làm nghệ thuật, bây giờ già rồi, ăn tiêu gì đâu mà phải khổ thế”. Những lúc thư thả, bà thường lướt mạng, trò chuyện cùng con trai qua Viber.
Thỉnh thoảng, con gái Thanh Lam qua nhà thăm mẹ thường phàn nàn rằng, sao bà không làm các công việc khác, ngồi lướt mạng không tốt cho sức khỏe. Bà cười rồi bảo con gái: “Tuổi mẹ được như thế này là quý lắm rồi. Mỗi lần con về nhìn thấy mẹ vẫn còn ngồi đọc thông tin thì đấy là cái phúc của nhà mình. Bạn bè mẹ, người ra đi nhiều lắm rồi”.