Sinh thời, Cruyff xem Louis van Gaal là một đối thủ lớn. Ông không ngại ngần chỉ trích và tranh giành tầm ảnh hưởng với người đồng hương Hà Lan ở những CLB mà cả hai cùng yêu quý. Năm năm trước, Cruyff thậm chí ra sức để Van Gaal không thể trở lại Ajax trên vai trò Giám đốc kỹ thuật.
Nếu như tất cả đều thừa nhận Cruyff là một nhân vật vĩ đại, thì người có khả năng tranh luận và đối đầu với ông suốt bốn thập niên qua hiển nhiên cũng phải xuất chúng. Nhỏ hơn Cruyff bốn tuổi, Van Gaal cũng sinh ra tại Amsterdam và thi đấu ở vị trí tiền vệ. Nhưng ông không thể lên chơi cho đội một của Ajax vào thời điểm mà cả "Johan đệ nhất" là Cruyff và "Johan đệ nhị" là Neeskens đang ở đó.
Cùng xuất phát điểm, nhưng Louis van Gaal và Johan Cruyff lại đi trên những con đường khác nhau. Ảnh: IT.
Có một bức ảnh vẫn được lưu truyền cho đến ngày nay, ở đó Van Gaal đang đuổi theo Cruyff trong một trận đấu. Suốt sự nghiệp ông cũng luôn đi sau người đàn anh như thế, cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Tài nghệ đá bóng của Van Gaal không sánh được với Cruyff. Khi đã là HLV, những CLB đỉnh cao của Van Gaal cũng là những CLB mà Cruyff đã thành công trước đó: Ajax và Barcelona.
Nhưng nói như thế không có nghĩa là Van Gaal lép vế hoàn toàn so với Cruyff. Xét về số danh hiệu quốc nội lẫn các Cup châu Âu, họ chẳng hề kém cạnh nhau. Cruyff cùng dàn cầu thủ ngôi sao mang về chiếc Cup C1 đầu tiên trong lịch sử Barcelona, thì Van Gaal cũng mang chiếc Cup danh giá ấy trở lại Ajax sau 22 năm, tức là thuở Cruyff còn là cầu thủ.
Van Gaal cũng là người thấm nhuần triết lý totaalvoetbal (tấn công tổng lực) mà Rinus Michels khởi xướng. Nhưng ông đi theo một con đường riêng. Và để Van Gaal tạo dựng được vị thế ở Ajax và Barcelona, hai CLB mà Cruyff đến trước và tạo ra sức ảnh hưởng to lớn, ông tất nhiên cũng phải có chỗ độc đáo. Đấy là sử dụng những lối huấn luyện cách tân để đưa bóng đá về giá trị nguyên thủy: một môn chơi đồng đội.
Thuở làm cầu thủ, Van Gaal chỉ là một tiền vệ tầm tầm, còn Cruyff là ngôi sao. Đấy có lẽ là lý do khiến cho cả hai đều từ một gốc nhưng lại đi theo hai hướng. Cruyff là người tôn sùng chủ nghĩa cá nhân. Khi còn là cầu thủ, ông là người thích thể hiện bản thân. Cú ngoặt bóng "kiểu Cruyff" chỉ là một ví dụ. Việc ông mặc số áo 14, thay vì những số áo phổ thông khác là ví dụ thứ hai. Ông dường như là người đầu tiên đặt giày riêng để thi đấu. Trận chung kết World Cup 1974, sau khi mang về quả phạt đền ngay phút đầu tiên, Cruyff có ý tỏ ra bỡn cợt người Đức. Và chúng ta cũng biết đấy là một sai lầm khủng khiếp (Đức sau đó ghi liền hai bàn để thắng 2-1). Ở Hà Lan, họ nói với nhau: Cruyff mang Hà Lan vào chung kết, nhưng Hà Lan không thể vô địch cũng bởi sự kiêu ngạo của Cruyff.
Khi đã là HLV, Cruyff cũng tôn trọng, thậm chí ủng hộ cầu thủ thể hiện cái tôi trên sân. Thế nên, là người đặt nền móng cho lò đào tạo lừng danh La Masia nhưng trong thời gian đỉnh cao của Barca dưới thời Cruyff, số ngôi sao nước ngoài nhiều hơn cầu thủ bản địa, chữ "Dream Team" từ đây mà ra.
Van Gaal thì ngược lại hoàn toàn. Ông thi đấu không nổi bật và khi xây dựng đội bóng cũng không thích những kẻ nổi bật. Trong sự nghiệp cầm quân, ông đã thanh trừng không biết bao nhiêu công thần mà kể, Quả vóng Vàng cỡ Rivaldo hoàn toàn không có giá trị trong mắt Van Gaal. Khi Ajax lên ngôi vô địch, quá nửa đội hình là những cầu thủ trẻ do Ajax đào tạo. Trong lịch sử, chưa có ai coi trọng cầu thủ trẻ như Van Gaal. Nói cách khác, ông không có khái niệm "cầu thủ trẻ". Anh đủ giỏi, nghĩa là anh đủ lớn. Tên tuổi và thâm niên không mang nhiều ý nghĩa với Van Gaal.
Cruyff từng nói: "Van Gaal là một người có tầm nhìn, nhưng tầm nhìn ấy khác với tôi. Ông ấy muốn kết dính một đội bóng thông qua chiến thuật và cách quản lý con người như trong quân đội vậy. Tôi thì muốn những cá nhân nghĩ về họ nhiều hơn. Tôi thích nhìn thấy từng cầu thủ chịu suy nghĩ và tạo ra một điều gì đó cho tập thể của mình".
Ở Hà Lan, số người đồng hành với Van Gaal, tức là đi ngược với suy nghĩ của Cruyff, thực ra không ít. Dennis Bergkamp là một người như thế. Anh không tin vào việc lừa bóng, dù là một cao thủ trong việc này. Sự nghiệp của Bergkamp gói gọn trong một chữ: đơn giản. Anh thích chuyền cũng như thích tự ghi bàn, "vì một bàn thắng là một bàn thắng, ai ghi có gì quan trọng đâu". Khi thi đấu, trừ phi buộc phải lừa bóng, Bergkamp ít bao giờ thích chạm bóng nhiều lần. Anh không thuộc trường phái "thể hiện" như Cruyff, mà đi về hướng "tập thể" của Van Gaal.
Cuộc đối đầu Van Gaal - Cruyff có nhiều cột mốc để khiến cả hai rơi vào thế không đội trời chung. Lấy năm 1989 làm ví dụ. Cruyff mở một bữa tiệc Giáng sinh tại nhà. Van Gaal là một trong những người được mời. Nhưng rồi điện thoại bàn đổ chuông. Người nhà thông báo em gái vừa qua đời, và Van Gaal lập tức đứng dậy ra về. Sau này Van Gaal kể rằng Cruyff là một người rất trọng hình thức nên có ý trách ông đã không nói lời cám ơn trước khi rời khỏi. Còn Cruyff thì chối bỏ: "Làm gì có việc đó. Nếu Van Gaal nói thế, nghĩa là ông ta đã bị chứng Alzheimer’s".
Đấy không phải là lần đầu, càng không phải lần cuối hai nhân vật này va chạm. Sau khi bất ngờ được bổ nhiệm làm HLV Ajax, Van Gaal đã trải qua những tháng đầu tiên thực sự khó khăn. Trên khán đài, người ta trưng băng rôn và hô hào kêu Cruyff trở lại. Rồi Van Gaal cũng vượt qua. Khi ông giúp Ajax gặt hái nhiều thành công và giành Champions League, Cruyff cũng đang rất thành công tại Barca.
Tuy nhiên, cả hai quá kiêu ngạo để có thể chúc mừng nhau. Giữa thập niên 1990, khi được hỏi ngoài Barca, còn đội bóng nào chơi cống hiến, Cruyff đã chọn Parma và Auxerre - hai đội bóng đã loại Ajax trước đó tại Cup châu Âu như một sự chế nhạo dành cho Van Gaal. Cruyff không bao giờ công nhận thành tựu của Van Gaal ở Ajax.
Chuyện tương tự diễn ra tại Barca. Sau khi Cruyff rời Nou Camp, ông là HLV có thâm niên nhất và thành công nhất trong lịch sử CLB với 11 danh hiệu. Nhưng Van Gaal lại ngồi vào chính chiếc ghế mà Cruyff đã ngồi chỉ sau một năm chuyển giao với Bobby Robson, không chút gì e ngại sự so sánh. Và ông... tiếp tục thành công.
Khoảng năm 2000, khi Frank Rijkaard, một môn đồ của Cruyff, trở thành HLV trưởng đội tuyển Hà Lan, Cruyff trình bày một đề án phát triển cho Liên đoàn bóng đá Hà Lan (KNVB). Đến khi được chọn làm người thay thế Rijkaard, việc đầu tiên Van Gaal làm là quẳng đề án ấy vào sọt rác và tự viết ra một đề án mới. Nhưng khi Hà Lan không thể lấy được suất dự World Cup 2002, Van Gaal và đề án của ông cũng phải ra đi.
Mâu thuẫn của cả hai lên đỉnh điểm năm 2011 khi Van Gaal được mời trở lại ghế Giám đốc kỹ thuật của Ajax, bất chấp Cruyff - khi ấy giữ chân cố vấn - đã đề cử Tscheu La Ling. Kết quả của vụ này là Cruyff đã viện đến tòa án. Tòa xử ông thua, nhưng ông tiếp tục miệt mài "đi tìm công lý". Và rốt cục, có lẽ vì thấy mọi thứ trở nên quá căng thẳng, Ajax đã không bổ nhiệm Van Gaal nữa. Amsterdam không đủ lớn để có chỗ cho hai con người cá tính quá mạnh mẽ và trái ngược này.
Cruyff làm việc với trái tim, Van Gaal làm việc với khối óc. Cruyff chủ trương xây dựng con người, Van Gaal xây dựng hệ thống. Nhưng cả hai đều có thành tựu rực rỡ và có công xây dựng nên những đội bóng mạnh, chơi thứ bóng đá đẹp mắt. Thành quả của Jupp Heynckes và Pep Guardiola tại Bayern Munich ngày nay được dựa trên những di sản mà Van Gaal để lại.
Van Gaal ghét Cruyff là thế. Nhưng ngày Cruyff qua đời, trong lòng ông không tránh khỏi cảm giác trống trải. Van Gaal nói: "Đây là một ngày rất buồn của bóng đá thế giới khi chúng ta mất đi một trong những huyền loại lớn nhất". Đấy là cái hay của tình người. Chúng ta ghét một người đến đâu đi nữa thì khi người ấy nằm xuống, những thù hận sẽ tan biến. Và Cruyff - Van Gaal có ghét nhau, nhưng từ sâu thẳm, họ vẫn dành cho nhau một sự ngưỡng mộ. Họ chỉ quá kiêu ngạo để thừa nhận điều đó.
Khi Cruyff nằm xuống, những lời dành cho ông toàn là ca tụng và ngợi khen, những sai lầm đã được gió cuốn đi. Nhưng Van Gaal còn đó, đang xây đắp Man Utd bằng thứ triết lý ngược lại với Cruyff, và hàng tuần chịu không ít những chỉ trích. Tuy nhiên ông chắc chắn có một chỗ đứng trang trọng trong lịch sử, xứng đáng được xem là một đại nhân vật - một đối thủ lớn của Cruyff vĩ đại suốt mấy chục năm qua.