Dân Việt

Bảo tàng Việt: 'Vỏ hoành tráng, ruột câu dầm', nâng đời hay chết?

Nhóm PV 27/03/2016 13:09 GMT+7
Chỉ có một số ít hút khách, đa số bảo tàng nước ta vẫn trong tình trạng phải “hà hơi thổi ngạt”. Nhà nhà đua nhau xin xây dựng, nâng cấp để rồi vẫn thành tiêu điểm thất vọng. Cùng tìm xem đâu là “người hùng” và đâu là “sát thủ” bảo tàng Việt Nam.

Đông khách vẫn chưa thể tự nuôi

Năm năm gần đây lượng khách tham quan bảo tàng tăng đáng kể, năm sau cao hơn năm trước (từ 3 triệu năm 2006, những năm gần đây các bảo tàng VN đã đón trên 5 triệu lượt khách). Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (BTDTHVN) cũng có con số thuyết phục: Năm 2015 đón khoảng trên 400.000 lượt khách, trong đó 60% khách Việt và 40% khách Tây.

img

Khách tham quan Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Cho tới nay chưa bảo tàng đắt khách nào tự vận hành bằng tiền bán vé trừ bảo tàng Điêu khắc Chăm (BTĐKC Đà Nẵng). Trong Talk Show TH “Văn hóa - Sự kiện - Nhân vật” vừa mới đây, giám đốc BTĐKC Võ Văn Thắng tự hào khoe “Ở VN chỉ có duy nhất BTĐKC  tự nuôi được hệ thống cán bộ nhân viên. Tất nhiên những khoản đầu tư lớn cho nâng cấp vẫn là của nhà nước”.

 Ông  Võ Văn Thắng cho rằng  tự chủ hoàn toàn người quản lý có quyền quyết định ưu tiên việc nào làm trước việc nào làm sau, việc nào cần tiết kiệm và không tiết kiệm. Họ được chủ động sáng tạo nhất định. Tuy nhiên tự hạch toán cũng có cái hồi hộp, bấp bênh. Trời đẹp khách đông thì tốt, trời mưa sụt sùi khách vắng lại lo. “Tôi nghĩ đã tự chủ phải tự chủ hoàn toàn. Nếu nửa tự chủ nửa ràng buộc thì người ta sẽ không nỗ lực, rồi lại muốn đổi sang bao cấp cho nhàn”.

Khi được hỏi về khả năng thu chi, bà Bích Vân giám đốc BTPNVN ngập ngừng nhận định: “Có thể sắp tới chúng tôi sẽ được giao tự chủ”.

Top bảo tàng nổi tiếng VN trong 5 năm liền thay nhau thăng hạng bình chọn của mạng du lịch quốc tế vẫn chưa thể tự nuôi mình. Nghịch lý này ở nước ta có lẽ không chỉ trong lĩnh vực bảo tàng.

Sở hữu bộ sưu tập điêu khắc quí về văn hóa và nghệ thuật Chăm nhưng hiện tại BTĐKC vẫn chưa có chỗ cho khách cất áo treo ô. Vào ngày mưa khách cứ mặc nguyên áo mưa, áo gió ròng ròng  nhỏ nước khắp sàn trông rất hoàn cảnh... Khách nước ngoài đến VN khi vào bảo tàng và nhà hát không biết treo áo choàng, ô ở đâu. Hy vọng trong dự án nâng cấp, cải tạo năm 2016, lãnh đạo BTĐKC có thể tự quyết được một vài hạng mục thiết thực như xây một phòng giữ đồ.

“Vỏ hoành tráng, ruột câu dầm”

Cùng trong nửa cuối năm 2015, Hà Nội có hai bảo tàng khánh thành là Bảo tàng Văn học Việt Nam ( BTVHVN) và Bảo tàng Công an Hà Nội (BT CAHN) nên thường được đem ra so sánh. BTVHVN  xây mới trên diện tích 3.600m², đầu tư 71 tỷ đồng kéo dài 10 năm, chuyên gia trong nước thiết kế nội dung và trưng bày. BTCAHN được cải tạo, xây dựng trên khu đất có diện tích 1.613m² với tổng giá trị đầu tư  18,4 tỷ đồng, thực hiện trong hơn một năm, có thuê chuyên gia trong nước và nước ngoài tư vấn. Kết quả sau nửa năm ra mắt cho thấy  BTVHVN thường xuyên trong tình trạng gần như không có khách. Còn BTCAHN theo thống kê  của TripAdvisor mới sau hai tháng hoạt động đã  xếp thứ 27 trong số 210 địa điểm giải trí tại Hà Nội và đứng thứ 6/49 bảo tàng ở thủ đô.

Ông Nguyễn Thanh Minh, PGĐ BTVHVN lý giải tình trạng vắng khách có vô vàn lí do, dễ nhìn thấy như BTVHVN ở địa chỉ hơi khuất (ngõ 275, đường Âu Cơ, Hà Nội), không tiện cho các tour du lịch, nguồn kinh phí eo hẹp, nên khâu quảng bá chưa tốt, còn phụ thuộc sở thích văn học của khách nữa. Trả lời thắc mắc về tiến độ, chi phí và cách tuyển chọn tài liệu ông Nguyễn Thanh Minh cho biết, hiện vật thường được nhà văn hoặc gia đình nhà văn tặng. “Bộ tài chính cho phép Nhà thơ Hữu thỉnh, Chủ tịch Hội nhà văn VN, Giám đốc BTVHVN,  có thể “quyết” những hiện vật từ 5 triệu đồng trở xuống, nếu hiện vật quí hơn thì hội đồng khoa học bảo tàng thẩm định”. 

Thông tin mà lãnh đạo BTVHVN tiết lộ với truyền thông rằng “chỉ có 5 người mầy mò làm bảo tàng trong 10 năm” gây cảm thông nhưng không thuyết phục về mặt chuyên môn. Tiết kiệm nhân lực, tiết kiệm tiền mua tài liệu, tốn thời gian mà vẫn bị chê là khuyết hổng nhân vật và trào lưu, kém hấp dẫn.

Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên từng bày tỏ, bảo tàng này chưa thể hiện sự toàn diện của văn học. Chẳng hạn, trong thế kỷ 20, văn học hải ngoại cũng vẫn là văn học. Ông Nguyên cũng nuối tiếc vì bảo tàng đã không có góc tôn vinh Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh: “Đó là hai tác giả lớn của văn học VN hiện đại, cũng là hai thành tựu của văn học đổi mới. Họ là người đưa được văn học VN ra thế giới”.

Ở VN hễ nói đến nâng cấp một công trình văn hóa mọi người thường nghĩ ngay đến xây dựng hạ tầng. Nội dung trưng bày là việc phụ. Điển hình là Bảo tàng Hà Nội (BTHN), đề án trưng bày cũng do Sở xây dựng một tay đảm nhiệm.  Được xây dựng  trong khuôn viên rộng khoảng 54.000m2 sát Trung tâm hội nghị quốc gia VN , tổng mức đầu tư 2.300 tỉ đồng vậy mà sau 5 năm vẫn ở tình trạng trưng bày tạm. Mở cửa miễn phí khách vẫn không đoái hoài. 

Trả lời về tình trạng BTHN ông Phạm Định Phong, Phó cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao và  Du lịch nói: “ Rút kinh nghiệm từ Bảo tàng Hà Nội (phải bổ sung, điều chỉnh lớn, gần như cấu trúc lại hoàn toàn nội dung trưng bày, do việc mở rộng phạm vi hành chính của Thủ đô), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức, đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng bảo tàng: Chú trọng đầu tư thỏa đáng cho phần nội dung trưng bày bên cạnh việc đầu tư cho phần xây “vỏ” ngôi nhà bảo tàng; việc chuẩn bị nội dung trưng bày theo yêu cầu khoa học chuyên ngành cần tiến hành đồng bộ với việc xây mới hoặc nâng cấp kiến trúc bảo tàng.

Sau vấn nạn “Vỏ hoành tráng, ruột câu dầm” một thủ phạm không kém quan trọng nuôi dưỡng bảo tàng hệ “mậu dịch” là cách trưng bày khuôn mẫu lười liếng và  kém hấp dẫn. Rất nhiều bảo tàng gần như chỉ dừng lại ở việc trưng bày một số hiện vật với chú thích đơn giản mà không có các hoạt động khác để thu hút khách tham quan. Vào trang bình luận của bảo tàng ế ẩm, khách nước ngoài để lại ý kiến khá trùng nhau “Cảm thấy mất thời gian”, “Hiện vật nghèo, chả có gì để xem”, “Quá lãng phí cho một không gian đẹp”. Đấy là chưa nói đến những chỗ trưng bày kém bao giờ cũng kèm theo thái độ phục vụ mậu dịch. Bảo tàng vắng và “chết” là không thể tránh khỏi.

Theo ông Võ Quang Trọng, GĐ BTDTHVN, muốn thay đổi thì bên cạnh việc đổi mới tư duy làm bảo tàng, thay đổi cách thức trưng bày, gắn hoạt động trưng bày với trình diễn thì các bảo tàng cần phối hợp các công ty du lịch trong việc đưa khách đến tham quan, nhất là cần có sự liên kết chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường để những kiến thức thực tiễn sinh động đến được với các em học sinh.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân (GĐ BTPNVN) và ông Võ Văn Thắng (GĐ BTĐKC) có ý kiến tương đồng rằng xây dựng văn hóa xem bảo tàng cần có sự kết hợp của truyền thông và giáo dục. Đầu tiên bảo tàng phải là một cuốn sách hấp dẫn đã. Từ đó nhà trường đưa một số môn học ngoại khóa tại bảo tàng vào học phần để các em được tiếp cận sống động hơn với tư liệu.