Sau khi FBI tuyên bố một đơn vị bên ngoài có thể giúp họ mở khóa iPhone mà không cần tới sự hỗ trợ của Apple, Apple đã có những thông tin phát đi xung quanh vụ việc này. Cụ thể, Apple một lần nữa khẳng định, tòa án liên bang và chính phủ không có quyền "ép" họ mở khóa iPhone của người dùng - mà cụ thể trong trường hợp này là chiếc iPhone 5C của tay súng đã gây ra vụ xả súng làm 14 người chết, 22 người bị thương ở San Bernardino (California, Mỹ).
Apple đang trong cuộc chiến bảo mật với FBI.
Trong khi đó, Apple và FBI cũng đang đối đầu nhau trong một vụ việc tương tự ở New York, đó là iPhone của một kẻ buôn ma túy. So với chiếc iPhone 5C trong vụ xả súng, chiếc iPhone của kẻ buôn ma túy này chạy phiên bản iOS khác.
Do FBI tuyên bố đã có đơn vị chứng minh được việc mở khóa iPhone mà không cần Apple, nên Apple nêu quan điểm: Nếu giải pháp mở khóa iPhone hiệu quả, điều đó có nghĩa FBI có thể mở khóa được iPhone trong cả 2 vụ việc, và FBI hiển nhiên không cần sự hỗ trợ của Apple. Một công tố viên liên bang cũng thừa nhận FBI sẽ không cần Apple nếu giải pháp trên thành công.
Cũng do xuất hiện thêm tình tiết mới này mà lại chưa đi tới kết luận có thật sự bẻ khóa được hay không, nên Apple yêu cầu trì hoãn ít nhất 10 ngày phiên tòa liên quan tới việc mở khóa chiếc iPhone ở New York cho tới khi FBI đưa ra kết quả chính thức, thời hạn là 5.4.
Theo truyền thông quốc tế, FBI dường như không phản đối yêu cầu trì hoãn phiên tòa từ Apple.