Tuy chưa chịu sức ép trực tiếp của quá trình hội nhập, nhất là tác động của Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), song ngành chăn nuôi bò sữa trong nước đang chịu tác động lớn do giá sữa trong nước giảm. Nhiều hộ chăn nuôi bò sữa đứng trước nguy cơ phá sản, bỏ nghề…
Không dám nuôi nhiều
Chị Nguyễn Thị Hồng Vân (ở xóm Từa, thôn Phù Dực 2) là một trong những nông dân có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa ở thôn. Chị kể: “Gia đình tôi bắt đầu nuôi bò sữa từ năm 1998. Ngày đó đầu tư, vay mấy trăm triệu đồng để mua 6 con bò sữa. Những năm đó, sữa tươi được thu mua với giá cao, thu nhập khá mới xây được cơ ngơi như ngày hôm nay. Còn mấy năm nay, nuôi bò sữa chỉ lấy công làm lãi, giờ chỉ nuôi có 4 còn bò cho sữa để gọi là giữ nghề chứ không thì cũng chẳng biết làm gì”.
Gia đình ông Vũ Văn Đản đang tính đến việc bán bớt đàn bò sữa nếu tiếp tục lỗ.. Ảnh: H.V
Chị Vân còn nhớ những ngày đầu tiên bắt đầu nuôi bò sữa, doanh nghiệp thu mua nhiều, bà con trong thôn đua nhau nuôi, đua nhau vắt sữa bởi nhà nào có sản lượng sữa nhiều là được khen thưởng. Có những ngày gia đình chị thu về 3 triệu đồng tiền sữa. Nhưng chỉ vài năm gần đây, giá sữa xuống còn 10.000 đồng/kg thấp hơn so với trước là rất nhiều, những con bò giống trước đây bán được 50-60 triệu đồng/con, giờ giá bán chưa được một nửa. Nhà chị cũng như nhiều nhà trong thôn bắt đầu lo sợ không dám nuôi nhiều vì sợ lỗ nhiều.
Chị Vân chia sẻ: “Chẳng nói xa gần ở đâu cả, bà con chúng tôi chỉ mong được thu mua với giá sữa ổn định chứ giá sữa đã xuống thấp rồi mà công ty họ không thu gom thì chúng tôi biết bán đi đâu. Thế nên nhiều lúc nghĩ cũng tủi, cũng rớt nước mắt. Bao công chăm sóc, bệnh dịch không có mà sữa cứ thế đổ đi. Chất lượng sữa là do công ty đánh giá độ sữa đạt tiêu chuẩn công ty họ đo đạc, họ làm chứ nông dân mình thì cũng có biết gì đâu. Con nào con đó có chất lượng hay không mình cũng không biết. Chăm sóc chỉ đến vậy thôi, cũng có con sữa đặc, sữa loãng”.
Gia đình ông Vũ Văn Đản (ở xóm Nông, thôn Phù Đổng 2) đang nuôi 9 con bò sữa. Mỗi ngày, một con bò sữa của gia đình ông cho từ 23-25kg sữa. Ông Đản cho biết, sữa chuẩn theo tiêu chuẩn của công ty thu mua thì bán được giá 13.000-14.000 đồng/kg. Có những đợt, bò cho nhiều sữa bán không được cho công ty thu mua nên ông phải đem bán cho mấy cửa hàng ngoài chợ chỉ có giá từ 5.000 - 8.000 đồng/kg để mong thu được lại tiền thức ăn cho bò ngày hôm đó.
“Ngày trước chăm sóc kỹ hơn để bò cho nhiều sản lượng, còn bây giờ thì phải cho bò ăn ít đi để kìm lại cho ít sữa thôi, nhiều thì người ta cũng có mua cho đâu. Có ngày nhà tôi còn bị “cắt trả lại” cả chục cân sữa, tính ra thu nhập cả tháng mất 2-3 triệu đồng, bà vợ tôi nước mắt ngắn nước mắt dài. Mà sữa thì có phải lúc nào cũng ăn uống thay cơm được đâu, chạy ngược chạy xuôi đem bán mà còn khó khăn”- ông Đản nói. Theo tính toán của ông Đản, nếu thời gian tới tiếp tục lỗ thì ông cũng bán bớt đàn bò sữa đi để chuyển sang chăn nuôi gà lợn.
Chuyện không thu mua hết sữa, ép giá đã làm người chăn nuôi bò sữa lâu năm ở Phù Đổng phải điêu đứng, nhưng họ còn phải đối mặt với những khó khăn về dịch bệnh, đồng cỏ. Gặp chị Nguyễn Thị Vinh (ở xóm Nông, thôn Phù Dực 2) đang cắt cỏ đem về cho bò ăn. Ruộng cỏ nhà chị những ngày này ngày nào cũng có người “canh gác” cẩn thận bởi thời tiết khiến nhiều ruộng cỏ chưa mọc kịp, thức ăn cho bò sữa khan hiếm, tình trạng mất trộm cỏ xảy ra liên tục.
Chị cho biết: “Ở Phù Đổng mỗi nhà có vài sào ruộng, cấy lúa không được chuyển sang trồng cỏ nhưng cũng chỉ đủ cho bò ăn trong 2 tháng. Có những ruộng, người dân thử trồng rau muống nhưng cũng chẳng ăn thua nên bò nhiều khi cũng thiếu ăn mà không có cỏ thì làm gì có sữa”.
Khó khăn vì làm ăn nhỏ lẻ
Ông Trần Xuân Tĩnh – Chủ tịch UBND xã Phù Đổng cho biết, nghề chăn nuôi bò sữa là ngành kinh tế mũi nhọn của xã Phù Đổng, tập trung chính ở 3 thôn là thôn Phù Dực 1, Phù Dực 2 và thôn Phù Đổng. Toàn xã có hơn 700 hộ chăn nuôi bò sữa, tổng đàn là 1.988 con, mỗi ngày cho sản lượng khoảng 20 tấn sữa tươi, giá trị đạt trên 200 triệu đồng/ngày đem lại kinh tế cho xã đạt trên 70 tỷ đồng/năm (năm 2015). Trung bình mỗi hộ chăn nuôi 2 - 4 con, nhà nhiều nhất 10-12 con, nếu giá sữa được thu mua ổn định sẽ cho mỗi hộ thu nhập khoảng 50 - 70 triệu đồng/tháng.
Ông Tĩnh cho hay: “Với giá sữa trung bình hiện nay là 10.000 - 12.000 đồng/kg, thiệt hại về kinh tế cho các hộ dân trong xã là khá lớn. Nhiều người điêu đứng lỗ vì sữa là do tình trạng đầu ra của sản phẩm mà phía công ty thu mua đánh giá là chưa đảm bảo chất lượng. Để tiến tới phát triển nghề nuôi bò sữa theo hướng bền vững, có một đơn vị đang đề xuất xây dựng cơ sở chế biến sữa tại địa phương. Để bà con yên tâm chăn nuôi sản xuất, xã sẽ có chủ trương tập trung hỗ trợ để nâng cao chất lượng sữa cho đàn bò”.
Trao đổi với NTNN, ông Phùng Xuân Việt – Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm cho biết: “Toàn huyện Gia Lâm có hơn 3.100 con bò sữa trong đó xã Phù Đổng chiếm hơn một nửa. Phù Đổng là một trong những xã trọng điểm chăn nuôi bò sữa của huyện Gia Lâm và của TP.Hà Nội. Tuy nhiên, theo tình hình sản xuất trong những năm gần đây thì có thể thấy tại địa phương, bà con chăn nuôi bò sữa vẫn mạnh ai người đó làm, chăn nuôi nhỏ lẻ chưa đảm bảo chất lượng sản phẩm. Nếu chăn nuôi theo hướng hiện nay thì việc thụ sữa cũng khá khó khăn vì các thương hiệu sữa lớn họ đã đầu tư các trang trại lớn đảm bảo kỹ thuật, sản lượng và chất lượng”.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), vài năm tới, ngành sữa sẽ còn tiếp tục phát huy tiềm năng khi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm này bình quân đầu người tăng trưởng khoảng 9%/năm (tương đương từ mức 18 lít/người/năm trong năm 2013 lên 27-28 lít/người/năm trong năm 2020). Con số này so ra vẫn thấp hơn Singapore (45 lít) hoặc Thái Lan (35 lít). Sự so sánh về tiềm năng giữa các nước đặt trong bối cảnh thuế quan được gỡ bỏ sẽ là động lực để các công ty sữa thế giới suy tính lại bài toán ưu tiên thâm nhập thị trường Việt Nam thời hậu TPP. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia, sữa tươi 100% nguyên chất ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, do số lượng đàn bò nội địa chỉ đủ cung cấp khoảng 30% nhu cầu cả nước. Ngay cả trong lượng sữa tươi thu mua của nông hộ thì 20-50% sữa đã không đạt chất lượng như yêu cầu. |