Dân Việt

Vấy bẩn môi trường đầu tư

Thanh Xuân 28/03/2016 10:39 GMT+7
Liên quan tới vụ việc trên, trao đổi với NTNN, nhiều chuyên gia am hiểu về đầu tư đều khẳng định rằng hành vi của Công ty Tân Đức đang làm vẩn đục môi trường đầu tư.

Cụ thể, chia sẻ với NTNN, chuyên gia kinh tế Lê Dăng Doanh nhìn nhận: “Chủ đầu tư khu công nghiệp khi có mâu thuẫn với doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp của mình trong việc thu phí mà không sử dụng công cụ pháp luật đàm phán hay sử dụng tòa án, mà lại chọn phương án đổ đất, cúp điện, nước, ngăn chặn người ta như vậy là sai. Đây là hành vi rất đáng xấu hổ trong một xã hội văn minh. Hành vi có thể xem là “côn đồ” này đang làm vẩn đục môi trường đầu tư của Việt Nam. Tôi cũng ngạc nhiên là dù báo chí đã vào cuộc phản ánh rất quyết liệt nhưng cơ quan quản lý, chức năng vào cuộc rất chậm. Cụ thể là mãi một tuần sau mới có ý kiến. Tôi theo dõi cũng thấy Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT) cũng không có ý kiến gì cả. Có thể nói, việc ứng xử thiếu văn hóa như vậy là hết sức đáng buồn. Cá nhân tôi đề nghị cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ xem ai chỉ đạo việc “khủng bố” doanh nghiệp. Bên cạnh đó, xác định mức độ thiệt hại của doanh nghiệp để đưa ra phương án bồi thường”.

img

Bảo vệ của Công ty Tân Đức đang đe dọa những người muốn ra vào khu vực 
của Công ty Tango Candy. Ảnh: Hữu Danh

Còn Đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nói:  Sự việc xảy ra ở KCN ở Tân Đức là vi phạm pháp luật và cam kết của Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài. Việc Công ty Tân Dức có hình thức đe dọa và cản trở sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, làm thiệt hại cho doanh nghiệp là vi phạm pháp luật. Hành động của một chủ đầu tư khu công nghiệp như thế đã làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của đất nước mình, ảnh hưởng tới luật pháp, trật tự kỷ cương, gây ảnh hưởng xấu tới môi trường đầu tư của cả Việt Nam. Cách hàng xử kiểu đó sẽ rất bất lợi và ảnh hưởng tới chính sách đầu tư nói chung của Việt Nam với các nước chứ không chỉ riêng Nhật Bản. Do đó, cần phải có trách nhiệm xử lý nghiêm minh, nghiêm túc rút kinh nghiệm và ở tầm Chính phủ cũng phải có thông báo rõ ràng và thông tin cho các nhà đầu tư để họ hiểu rõ sự việc, không để ảnh hưởng tới môi trường đầu tư… Một quốc gia đang phát triển, đang hội nhập thì không thể để những câu chuyện tương tự như thế này xảy ra được”.

Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong khẳng định hành vi của Công ty Tân Đức là cực đoan. Theo ông Phong, dù chi tiết hợp đồng như thế nào nhưng việc tăng giá duy tu cơ sở hạ tầng không hợp lý và không theo đúng hợp đồng thì chắc chắn lỗi ở bên tăng giá. “Nếu trong quá trình thực  hiện, có sự không đồng thuận thì có thể xử lý bằng mặt luật pháp. Còn xét về cách ứng xử của đơn vị quản lý khu công nghiệp như thế là không thể được, giống như kiểu “xã hội đen”, và để xảy ra như thế thì chính quyền địa phương cũng có phần trách nhiệm. Việc để một chủ đầu tư của khu công nghiệp sử dụng biện pháp cực đoan như vậy với nhà đầu tư nước ngoài sẽ làm vấy bẩn môi trường đầu tư” - ông Phong nói.

Cũng theo ông Phong, ông chủ doanh nghiệp Nhật Bản hoàn toàn có thể kiện lên Tổ công tác xử lý các vấn đề liên quan tới môi trường đầu tư của hai nước hoặc lên Tòa án về hành vi của Công ty Tân Đức.