Ông có nhìn nhận gì về việc Quốc hội tiến hành kiện toàn nhân sự Nhà nước vào thời điểm cuối của nhiệm kỳ khóa XIII, thưa ông?
- Cũng có ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội cho rằng để cho Quốc hội khóa XIV bầu xong, sau đó ở kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa mới sẽ tiến hành kiện toàn nhân sự cấp cao và nhân sự của các bộ, ngành. Như thế thì chỉ làm một lần.
Còn như Quốc hội khóa XIII kiện toàn nhân sự vào cuối nhiệm kỳ thì chỉ vài tháng sau khi kết thúc nhiệm kỳ, Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV lại tiến hành bầu, như vậy việc bầu, phê chuẩn nhân sự lại phải làm lại, dù mới cách nhau có vài tháng.
Tuy nhiên theo lý giải của những người có trọng trách, việc kiện toàn nhân sự sớm sẽ giúp các đồng chí lãnh đạo cấp cao, các vị bộ trưởng, trưởng ngành sớm hòa nhập với công việc.
Bên cạnh đó, sau Đại hội Đảng XII, việc phân công nhân sự vào các vị trí lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội... cũng đã được dự kiến nên Quốc hội khóa XIII dù sắp hết nhiệm kỳ cũng tiến hành kiện toàn luôn là hợp lý. Như thế sẽ ổn định ngay được bộ máy nhà nước, để có thể bắt tay thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng ngay từ năm đầu tiên.
Sau khi nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII kết thúc, các chức danh do Quốc hội khóa này bầu, phê chuẩn cũng hết nhiệm kỳ, trên cơ sở bộ máy đã được kiện toàn, sang nhiệm kỳ tiếp theo những vị trí, chức danh kể trên được giới thiệu tiếp thì Quốc hội khóa XIV sẽ tiến hành bầu và phê chuẩn.
Phương án nào thấy cũng có tính hợp lý cả. Còn theo quan điểm của tôi vấn đề quan trọng nhất là làm sao Quốc hội lựa chọn được những người xứng đáng, đủ tâm, đủ tầm, hết lòng vì dân, vì nước để gánh vác trọng trách nhân dân giao phó.
Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm và bầu các chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước. Ảnh: VPQH
Vấn đề nhân sự đã được Đảng chuẩn bị rất kỹ từ Đại hội XII đến Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư lần thứ 2 vừa qua. Tuy nhiên Quốc hội vẫn dành rất nhiều thời gian trong kỳ họp này để bàn thảo?
- Tôi cho rằng việc dành nhiều thời gian để Quốc hội thảo luận, quyết định nhân sự Nhà nước như chương trình kỳ họp đề ra (10 ngày rưỡi) là rất đúng đắn. Đảng bàn về vấn đề nhân sự đúng là rất kỹ nhưng đó là ở trong Đảng, muốn vấn đề trở thành hiện thực thì phải qua cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước là Quốc hội.
Đảng sau khi bàn bạc, lựa chọn người có trách nhiệm để giới thiệu, còn việc bầu, lựa chọn là thẩm quyền của Quốc hội. Theo quy định của Hiến pháp, rồi các luật liên quan đều quy định những vị trí lãnh đạo phải do Quốc hội quyết định. Quốc hội là cơ quan thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cho nên việc dành thời gian để Quốc hội thảo luận kỹ trước khi quyết định vấn đề nhân sự là hết sức cần thiết.
Như vậy mới thể hiện rõ "ý Đảng, lòng dân". Khi ý Đảng thuận và hợp với lòng dân sẽ tạo ra sự đồng thuận rất cao.
Mới đây trong báo cáo nhiệm kỳ công tác, Chủ tịch nước có đề nghị Đảng và Nhà nước nghiên cứu để rút ngắn thời gian tiến hành tổng tuyển cử nhiệm kỳ mới sau Đại hội Đảng toàn quốc để thuận tiện cho việc kiện toàn nhân sự và phù hợp với quy định của Hiến pháp, ông nghĩ sao?
- Đề nghị của Chủ tịch nước mang tính lâu dài cho những nhiệm kỳ tiếp theo. Về cá nhân, tôi thấy sau khi Đại hội Đảng toàn quốc kết thúc mà chúng ta tiến hành tổng tuyển cử ngay để kiện toàn bộ máy nhà nước, không mất thời gian chờ đợi dài như hiện nay, cũng là điều rất tốt.
Có một điều tôi cũng muốn chia sẻ thêm: Sau Đại hội lần thứ XII của Đảng, một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy nhà nước có nguyện vọng nghỉ việc sớm hơn để việc kiện toàn bộ máy nhà nước được thực hiện nhanh, tạo điều kiện cho những người trẻ kế nhiệm. Tôi nghĩ đó cũng là hành động đầy ý nghĩa và đáng trân trọng của những đồng chí đó, Quốc hội cũng nên có những nhìn nhận đúng mức.
Xin cảm ơn ông (!)
Lịch trình miễn nhiệm và bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước |