Để “hất cẳng” bà Thuận, SCIC lại vẫn tiếp tục sử dụng chiêu can thiệp thô bạo dựa trên số phiếu đại diện vốn của mình để bổ nhiệm cán bộ cấp cao và thành viên HĐQT.
Bổn cũ soạn lại
Cách làm này đã được SCIC áp với Công ty Dược Hậu Giang và đã ép bà Phạm Thị Việt Nga, nguyên chủ tịch HĐQT Dược Hậu Giang phải “nhường” ghế chủ tịch cho người đại diện của SCIC.
Chiêu này cũng được SCIC áp dụng với bà Mai Kiều Liên. Tuy nhiên, với uy tín của bà Liên tại Vinamilk, kế hoạch của SCIC đã thất bại.
Lần này, SCIC lại sử dụng chiêu này để hất cẳng bà Thuận, người đã gắn bó với Traphaco suốt hơn 37 năm qua và đóng góp công lao lớn vào sự phát triển của Traphaco trong quá trình định vị thương hiệu doanh nghiệp dược uy tín nhất ngành.
Theo đó, tại ĐHĐCĐ nhiệm kỳ 2016-2020 tổ chức ngày 30.3 tới đây có thể sẽ là một bước ngoặt hệ trọng đối với Traphaco và cá nhân bà Thuận.
Theo thông tin bên lề, SCIC đang can thiệp một cách thô bạo dựa trên số phiếu đại diện vốn của mình để bổ nhiệm cán bộ cấp cao và thành viên HĐQT và cái ghế chủ tịch HĐQT của bà Thuận có vẻ không mấy sáng sủa.
Thực tế đã cho thấy thành công của những công ty như Vinamilk, hay Dược Hậu Giang… là nhờ vào bản lĩnh lãnh đạo của các thành viên dầy dặn kinh nghiệm trong HĐQT, chứ không phải do vai trò của SCIC. Câu chuyện tại Traphaco cũng tương tự như vậy.
Còn với những doanh nghiệp đang làm ăn kém hiệu quả, SCIC dường như không thể thể hiện vai trò cổ đông lớn trong việc vực dậy hoạt động ở những doanh nghiệp này. Ví như Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – mã chứng khoán VCG). Mặc dù SCIC đang nắm gần 58% cổ phần của Vinaconex nhưng không thể làm gì để khôi phục lại kết quả kinh doanh yếu kém trong suốt những năm qua.
Hay như với Dược Hậu Giang, bà Nga được ví như “bà đầm thép” đằng sau sự thành công của công ty dược lớn nhất nước này. Vậy nhưng, sự ra đi của bà Nga khiến Dược Hậu Giang trở nên chống chếnh.
Kết quả của sự thay đổi lãnh đạo này là cổ phiếu Dược Hậu Giang đã tăng trưởng kém hơn nhiều so với công ty đối thủ là Traphaco. Trong khi cùng thời điểm, sự ổn định trong HĐQT đã tiếp sức cho Traphaco tiếp tục gặt hái thành công.
Vậy số phận của Traphaco sẽ ra sao nếu như bà Thuận bị hất khỏi ghế chủ tịch? Rất khó có thể kết luật một cách thiếu cơ sở, nhưng có thể điểm lại mốc quan trọng của Traphaco để thấy được SCIC đã thể hiện vai trò cổ đông lớn của mình như thế nào.
SCIC “trói buộc” Traphaco bằng tỷ lệ 35,6%
Thời điểm tiến hành CPH vào năm 1999, xuất phát điểm của Traphaco khá thấp khi chỉ là một công ty Nhà nước thuộc Bộ Giao thông Vận tải với 300 nhân viên và vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng.
Tuy nhiên sau 16 năm, đây đã là một trong những công ty dược phẩm lớn nhất Việt Nam với 1.600 nhân viên và giá trị vốn hoá thị trường lên đến gần 2.500 tỷ đồng.
Vậy làm thế nào để Traphaco trở thành công ty dược hàng đầu như hiện nay? Vai trò của bà Thuận thế nào?
Sau cổ phần hóa, Traphaco đứng trước ngưỡng cửa cạnh tranh khốc liệt khi sống được chủ yếu dựa vào việc nhập khẩu và phân phối sản phẩm của nhiều hãng dược trên thế giới. Lúc đó không phải doanh nghiệp nào cũng có quyền nhập khẩu dược phẩm. Song khi cửa hội nhập đang dần mở thì lợi thế này chắc chắn sẽ không thể duy trì lâu dài.
Xác định Traphaco phải tự đi bằng hai chân. Nghĩ là làm, đội ngũ lãnh đạo đến Hưng Yên xin đất xây dựng nhà máy sản xuất thuốc đông dược tại Văn Lâm với ý nghĩ phải phát triển vùng trồng, tận dụng các cây dược liệu của Việt Nam để có “đặc sản” riêng, hình thành chuỗi sản xuất an toàn khép kín.
Và nhà máy sản xuất đông dược đạt tiêu chuẩn GMP - WHO đầu tiên tại Hưng Yên được khánh thành năm 2006. Năm 2007, Traphaco IPO (phát hành lần đầu chứng khoán ra công chúng), năm 2008 niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, năm 2011 đứng top đầu ngành dược.
Những tháng ngày này, SCIC dường như không có vai trò gì trong các quyết sách quan trọng. Cho đến khi Traphaco đứng trước các mốc chuyển mình, SCIC mới nổi lên khi sử dụng đặc quyền để bảo toàn phần vốn Nhà nước nhằm giữ trọn quyền định đoạt những vấn đề quan trọng tại doanh nghiệp.
Từ khi cổ phần hóa đến nay, tỷ lệ vốn của SCIC tại Traphaco đã được chốt cứng ở mức 35,6% và trở thành lá chắn bảo vệ quyền lợi cho SCIC.
Mặc dù là doanh nghiệp dược lớn, nhưng từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2011 đến này, Traphaco chưa một lần tăng vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu. Nguyên nhân là do không có được sự đồng thuận từ phía cổ đông Nhà nước. SCIC không muốn Traphaco tăng vốn vì như vậy, tỷ lệ sở hữu 35,6% của SCIC sẽ giảm xuống một mức khác và cổ đông này mất quyền phủ quyết.
Đỉnh điểm của sự trói buộc là năm 2014, 62% cổ đông của Traphaco, bao gồm cả 2 cổ đông lớn nước ngoài là Mekong Capital và Vietnam Holdings, đều thống nhất việc nâng tỷ lệ sở hữu của Traphaco lên 90% tại Công ty CP Công nghệ cao Traphaco (CNC).
Tuy nhiên tỷ lệ 62% đã không có quyền định đoạt nhiều hơn 35,6% của SCIC khi cổ đông Nhà nước nhất quyết phủ quyết kế hoạch này.
Nếu kế hoạch được thông qua, CNC trở thành công ty con với tỷ lệ vốn trên 90% thuộc công ty mẹ, Traphaco có thể tận dụng thuế ưu đãi dành cho doanh nghiệp công nghệ cao, được hưởng mức đóng thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 5% trong vòng 9 năm liên tiếp. So với mức thuế 22% khi đó, đây sẽ là nguồn vốn tích luỹ vô cùng có lợi cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, lại một lần nữa SCIC nhất quyết không thông qua kế hoạch này do không đồng thuận được về giá mua. Có thể hiểu rằng, nếu tham gia cuộc chơi này, tỷ lệ sở hữu của SCIC sẽ giảm xuống dưới 35%, đối mặt với việc mất quyền phủ quyết.
Xét trong tình hình hiện tại, nhiều khả năng Mekong Capital sẽ thoái toàn bộ 25% cổ phần đang nắm giữ tại Traphaco ngay trong năm nay. Chia tay Traphaco, chưa tính cổ tức bằng tiền được chia trong gần 8 năm nắm giữ, với thị giá hiện nay là hơn 100.000 đồng/cổ phiếu, nếu thoái vốn, Mekong Capital sẽ thu về hơn 600 tỷ đồng. Khoản thu về này gấp gần 3 lần so với vốn đầu tư ban đầu.
Bản thân bà Thuận đã nhiều lần chia sẻ, bà rất tự tin rằng việc Mekong Capital thoái vốn sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của công ty, thậm chí còn mang lại cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài khác bởi doanh nghiệp luôn kín room khối ngoại.
Tuy nhiên, sự hứng thú được dự đoán khó có thể tiếp tục duy trì khi mà lãnh đạo chủ chốt tại DN, yếu tố tối quan trọng để đánh giá hiệu quả hoạt động trong tương lai, có thể bị thay thế tại kỳ ĐHĐCĐ tới đây.