Dân Việt

Lo ngại Nhà nước can thiệp vào nhân sự cấp cao của doanh nghiệp

Minh Huệ (thực hiện) 28/03/2016 14:00 GMT+7
Nói về câu chuyện SCIC dùng số cổ phiếu đại diện của Nhà nước để can thiệp vào nhân sự cấp cao của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng đây là xu hướng đáng lo ngại.

img

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội

Ông Kiên cho rằng sự biến động nhân sự chủ chốt tại các DN sau cổ phần hóa có phần vốn góp lớn của SCIC cho thấy, đang có xu hướng khôi phục lại vai trò kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước đối với DN.

“Đây là xu hướng đáng lo ngại, bởi điều này đi ngược với mô hình phát triển kinh tế theo hướng hiện đại mà Nhà nước đang cam kết xây dựng”, ông Kiên nhấn mạnh.

Theo ông Kiên, khi nhân sự của nhà nước là một công chức “mẫn cán” đưa vào, chính là phá vỡ yếu tố làm nên nền tảng phát triển của DN.

“Phải nói rất thẳng rằng nếu làm như thế là chúng ta đang dùng một anh công chức nhà nước thay một anh CEO. Với những trường hợp DN mà chúng ta thấy thời gian qua như Vinamilk, Dược Hậu Giang… bản thân họ tự vận động cạnh tranh phát triển đi lên bằng công nghệ, quản trị, do thị trường điều tiết… Công tác nhân sự cũng được gây dựng từ lâu để quản trị, kế thừa phát triển DN”, ông Kiên phân tích.

Tại sao ông lại nhìn nhận việc cơ quan quản lý vốn nhà nước muốn kiểm soát nhân sự chủ chốt trong doanh nghiệp sau cổ phần hóa là xu hướng đáng lo ngại?

-Chúng ta thấy một trong những nguyên tắc của thị trường là DN phải đáp ứng được yêu cầu của công nghệ, có thị trường riêng bền vững, có nguồn tài chính ổn định, cuối cùng là một đội ngũ quản trị DN phù hợp với chiến lược sản xuất kinh doanh.

Như vậy công tác nhân sự là do kết quả sản xuất kinh doanh yêu cầu và kết quả đó là do thị trường trả lời, chứ không phải từ ý muốn chủ quan của người quản lý vốn.

Ở các quốc gia tiên tiến, một người có thể không có 1 hào vốn nào nhưng vẫn được thuê làm chủ tịch HĐQT vì người đó có kinh nghiệp quản trị DN, và người đó biết phải tổ chức bộ máy sản xuất kinh doanh như thế nào để DN đạt được lợi nhuận cao nhất.

Chúng ta phải xác định rằng quản trị DN là một nghề, chứ không phải cứ có nhiều vốn hay “sống lâu” mà bổ nhiệm lên.

Nhìn một cách tổng thể, theo ông xu hướng này có gây ra rủi ro đối với môi trường đầu tư hay không, nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay?

-Rõ ràng là có. Nhiều trường hợp DN có tỷ lệ nắm giữ vốn của NĐT nước ngoài là tương đối lớn, có mong muốn hợp tác lâu dài, đã có tham gia hỗ trợ DN trong công tác quản trị, xây dựng chiến lược.

Tới giờ khi họ trông chờ sự thoái vốn của nhà nước như cam kết, thì Nhà nước quay lại kiểm soát. Đối với môi trường kinh doanh đó là tiền lệ rất xấu.

Chúng ta thử tưởng tượng một ông chủ DN khi tiến hành CPH, hứa với những người góp vốn và cùng làm là sau một thời gian tôi sẽ làm việc này, nhưng sau đó tự quyết định theo hướng khác.

Vậy thử hỏi một thời gian sau khi lập thêm DN khác liệu có mời được NĐT khác làm cùng không?

-Đó là chúng ta nói với tư cách một ông chủ. Còn ở đây chúng ta nói với tư cách một ông chủ lớn – Nhà nước. Đại diện chủ sở hữu vốn mà không thực hiện các cam kết, đầu tiên là cam kết chính trị. Rồi chúng ta không thực hiện cam kết kinh tế đã được phê duyệt trong quá trình CPH thì thử hỏi các NĐT trong nước và quốc tế họ sẽ đánh giá độ trung thực, tin cậy của nhà nước như thế nào.

Nếu chúng ta nhìn thấy rằng trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội thì vốn nhà nước chỉ chiếm 38% trong 5 năm qua. Với lối hành xử như vậy, liệu còn huy động được 62% vốn của các thành phần khác vào quá trình phát triển kinh tế xã hội trong nước được hay không?

-Liệu chúng ta có chuyển đổi được mô hình phát triển kinh tế theo hướng hiện đại, có chiều sâu được hay không? Đó là còn chưa nói tới các tổn hại có thể cân đong đo đếm về mặt thuế, giá bán sản phẩm…

Phải chăng trường hợp như thế này cảnh báo câu chuyện CPH đã từ mong muốn tốt đẹp đang bị lách thành xu hướng bất cập và nó gây rủi ro ngược trở lại với công tác CPH?

-Hệ quả đó là có và là một trong những nguyên nhân quan trọng lý giải tại sao công tác CPH của chúng ta lại khó khăn đến như vậy. Trong 3 đột phá trọng tâm mà Đại hội Đảng 11 đề ra cho nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2015 là tái cơ cấu nền kinh tế, 1 trong 3 trọng tâm là tái cơ cấu DNNN, thì kết quả hiện nay rất hạn chế.

Cách cơ quan quản lý nhà nước quay trở lại kiểm soát như vậy là đi ngược lại với khoa học quản lý nhà nước, mô hình tổ chức nhà nước mà chúng ta đang xây dựng. Nhà nước không phải được sinh ra để làm công tác kinh doanh.

Vậy theo ông, người nắm giữ cổ phần lớn là nhà nước, chỉ nên làm gì?

-Nên xem xét lại vai trò của cơ quan đại diện vốn nhà nước ở các DN. Cơ quan đó phải tập trung vào phân tích hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và tôn trọng quy luật của thị trường, tôn trọng quyết định của người làm quản trị.

Bản thân cơ quan đó chỉ tập trung phân tích hiệu quả hoạt động để tham mưu cho Chính phủ khi nào thì thoái hết vốn, khi nào đầu tư thêm hay thậm chí là thành lập mới DN.

Về bản chất nó như ban kiểm soát của ban kiểm soát, chỉ để đảm bảo hiệu quả đồng vốn của mình, và không can thiệp vào việc người quản trị làm thế nào để DN đạt được hiệu quả kinh doanh cao.

Còn nếu các cơ quan quản lý nhà nước chỉ tập trung vào cử người xuống quản lý trực tiếp thì không khác lối quản lý trước đây, không phù hợp với tinh thần đổi mới.

Xin cảm ơn ông!