Dân Việt

Vùng đặc sản vú sữa ứng phó với hạn, mặn

Cao Thắng 28/03/2016 16:04 GMT+7
Hiện tại, mặn đang lấn sâu đến các xã phía Tây sông Tiền, đe dọa vùng trồng cây ăn trái nơi đây, trong đó có cây vú sữa. Trước tình hình này, các xã Vĩnh Kim, Bàn Long (huyện Châu Thành, Tiền Giang) đã đề ra những biện pháp để chủ động phòng, chống hạn, mặn, tránh thiệt hại tới vùng trái cây đặc sản.

Do cách xa sông Tiền nên hiện tại mặn vẫn chưa xâm nhập mạnh, không gây ảnh hưởng nhiều tới vườn cây ăn trái ở xã Vĩnh Kim. Dù mặn đã xâm nhập từ sau tết, có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng độ mặn đo được không cao, cụ thể đỉnh điểm độ mặn đo được là 0,97 g/l, lần đo gần nhất vào ngày 21-3 là 0,65 g/l, Ủy ban nhân dân (UBND) xã Vĩnh Kim vẫn đề ra các biện pháp để chủ động phòng, chống hạn, mặn, tránh thiệt hại khi mặn tăng cao bất ngờ.

img

Thi công công trình nạo vét ki­­­nh Mới, dẫn nước ngọt vào nội đồng (ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành).

Anh Lê Quang Nhựt, cán bộ nông nghiệp xã Vĩnh Kim cho biết: “Tranh thủ lúc thủy triều xuống, độ mặn giảm, thông qua hệ thống loa truyền thanh, xã thông báo cho bà con nông dân mở cống trữ nước ngọt để dự trữ cho thời gian sắp tới được dự báo là mặn tăng cao trở lại khi thủy triều lên. Liên tục cập nhật độ mặn để thông báo kịp thời đến người dân, yêu cầu bà con đóng các cống, ngưng tưới nước khi độ mặn trên 1 g/l”.

Anh Nhựt cũng cho biết thêm, đang lúc con nước thấp, xã tranh thủ nguồn vốn của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thực hiện 2 công trình nạo vét lòng kinh: Kinh Mới và kinh Cây Da, với chiều dài 1.200 m để dẫn nước ngọt sâu vào nội đồng, đáp ứng nhu cầu trữ ngọt.

Ông Phạm Văn Đức, (ấp Vĩnh Thới, xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành) cho biết: “Hiện vườn vú sữa 4.000 m2 của tôi đang trong thời gian ra hoa. Tôi luôn theo sát các chương trình thời sự về hạn, mặn trên báo, đài, thông báo của xã để kịp thời đóng các cống trong vườn để nước không bị nhiễm mặn, vì cây vú sữa rất nhạy cảm với nước mặn, nếu tưới phải nước mặn cây sẽ rụng hoa không thể tạo quả. Đồng thời kết hợp nạo vét các mương trong vườn để trữ được nhiều nước ngọt, phòng khi nước mặn không thể mở cống”.

So với xã Vĩnh Kim, độ mặn đo được ở xã Bàn Long luôn ở mức cao. Cụ thể độ mặn cao nhất đo được lên đến 1,4 g/l, đây là mức gây nguy hại cho cây ăn trái. Theo UBND xã Bàn Long, diện tích cây ăn trái của xã trên 798 ha, trong đó có 360 ha vú sữa. Do xã đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn, mặn từ cuối tháng 1-2016 nên hiện tại toàn bộ diện tích cây ăn trái của xã không bị mặn xâm hại.

Anh Phạm Văn Thương, cán bộ nông nghiệp xã Bàn Long cho biết: “Từ cuối tháng 1-2016, UBND xã đã triển khai các biện pháp phòng, chống hạn, mặn như: Tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền về phòng, chống hạn, mặn cho nông dân.

Tổ chức vận động nông dân gia cố thêm nắp trong của các cống trong xã để giữ nước ngọt trên tinh thần “4 tại chỗ”. Xã có hơn 80 cống lớn, nhỏ, hiện đã gia cố được 90% số cống trên địa bàn.

Được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ, xã tổ chức thi công nâng cấp các đập: Bà Tét, Tám Hoạch... tăng khả năng trữ ngọt mỗi ngày. Ngoài ra, hàng ngày UBND xã còn cử người đi lấy mẫu nước ở từng ấp để kiểm tra độ mặn, kịp thời thông báo cho người dân chủ động trong tưới tiêu”.