Tờ "The Diplomat" ngày 23.3 đăng bài viết của Greg Austin, chuyên gia tại Viện Đông Tây ở New York (Mỹ), cho rằng cần phải hiểu đúng về cam kết không quân sự hoá Biển Đông của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
The tạp chí đối ngoại này, trong chuyến thăm Nhà Trắng hồi tháng 9.2015, ông Tập Cận Bình đã công khai cam kết Trung Quốc sẽ bảo vệ an ninh hàng hải qua Biển Đông và không quân sự hoá quần đảo Trường Sa. Tác giả Greg Austin cho rằng, ông Tập Cận Bình rõ ràng đã nói không quân sự hóa quần đảo Trường Sa (của Việt Nam), chứ không phải là quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam ) và không phải là toàn bộ Biển Đông. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ sau đó cho biết họ thấy ý đồ quân sự trong việc Trung Quốc xây đường băng, lập radar tại đây.
Việc Trung Quốc triển khai máy bay và tên lửa phòng không tại đảo Phú Lâm của Việt Nam đã khiến Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và nhiều quan chức khác bày tỏ quan ngại về việc giữ lời hứa của ông Tập Cận Bình. Do đó, theo tác giả Greg Austin, cần nghiên cứu rõ quan điểm của Tập Cận Bình về việc này.
Trung Quốc đã xây trái phép đường băng trên đá Chữ Thập của Việt Nam.
Theo ông Greg Austin, trong tiếng Anh, định nghĩa của từ “quân sự hoá – militarize” bao gồm các hành động triển khai lực lượng (kể cả chỉ ở quy mô nhỏ) để phục vụ chiến tranh hoặc xung đột quân sự. Hiểu theo định nghĩa này thì quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã bị quân sự hoá từ lâu bởi các bên liên quan cũng như không liên quan. Năm 1939, Nhật Bản đã sử dụng đảo Trường Sa như một căn cứ hậu cần hải quân. Năm 1946, Đài Loan đã đưa tàu chiến tới giành lại quyền kiểm soát các đảo này. Từ năm 1971, Philippines vẫn thường xuyên đưa lực lượng vũ trang tới các đảo đang chiếm giữ. Năm 1988, Trung Quốc dùng quân đội tấn công quân đội Việt Nam đang đồn trú ở đây.
Và như vậy, cam kết không quân sự hoá Biển Đông do ông Tập Cận Bình đưa ra không có nghĩa là Trung Quốc sẽ không triển khai quân đội hay khí tài tại đây. Có thể theo ý của ông Tập, lời hứa này chỉ có nghĩa là Trung Quốc sẽ kiềm chế, không sử dụng vũ lực chống lại các bên liên quan, trừ khi bị khiêu khích. Với cách hiểu như vậy, lời cam kết của ông Tập thực ra chỉ càng khiến cho tình hình tại Biển Đông thêm phức tạp.
Và điều này, rõ ràng Mỹ đã nhìn thấu. Nhiều quan chức cấp cao của Washington từng cho rằng, yêu sách đường 9 đoạn mà Bắc Kinh đưa ra là không có cơ sở, thậm chí phi lý, không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Washington nhìn thấy rõ Bắc Kinh từng bước quân sự hóa trên Biển Đông với tốc độ ngày càng nghiêm trọng, nên ra sức kêu gọi Bắc Kinh ngừng ngay những hành động làm ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hàng hải trên vùng biển này. Mới đây nhất hồi tháng 2 vừa qua, Mỹ tiếp tục kêu gọi ông Tập Cận Bình mở rộng lời cam kết không quân sự hoá ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam, ra toàn bộ Biển Đông.
Ông Dan Kritenbrink, cố vấn hàng đầu về châu Á của Tổng thống Barack Obama cho rằng nếu ông Tập Cận Bình mở rộng lời cam kết phi quân sự hoá ra toàn bộ Biển Đông thì đó sẽ là một điều tốt. Ông Dan Kritenbrink cũng nói: "Chúng tôi sẽ hối thúc Trung Quốc và các nước khác trong khu vực kiềm chế những bước đi làm gia tăng căng thẳng".