Dân Việt

Lãnh đạo tỉnh hết “vỗ vai” đại biểu Quốc hội

Ngọc Lương 29/03/2016 09:30 GMT+7
"Quốc hội khóa XIII ngày càng thẳng thắn, không ngại va chạm. Không còn câu chuyện lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các bộ, ngành “vỗ vai” đại biểu Quốc hội. Cũng không còn chuyện lãnh đạo bộ, ngành tác động đến lãnh đạo tỉnh để lãnh đạo tỉnh tác động đến đại biểu Quốc hội” - đại biểu Nguyễn Anh Sơn nói.

Ngày 28.3, Quốc hội thảo luận ở hội trường, cho ý kiến về báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XIII.

Hai “khoản nợ” trước cử tri và nhân dân

Góp ý vào báo cáo nhiệm kỳ của Quốc hội, đại biểu (ĐB) Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đã  chỉ ra hai khoản nợ của Quốc hội với cử tri và nhân dân khi nhiệm kỳ sắp kết thúc. Đó là thái độ, hành động và lời nói của Quốc hội trước vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo.

img

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn là người đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề Biển Đông. Ảnh: Đàm Duy

Theo ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), nhiều kiến nghị của cử tri, ĐB có thể chất vấn, đặt câu hỏi và các Bộ trưởng hứa, trả lời bằng văn bản nhưng nhiều việc vẫn không chuyển biến. “Điều đó chứng tỏ, chúng ta chưa quyết liệt, chưa mạnh mẽ. Tôi mong nhiệm kỳ tới ĐB Quốc hội phải làm tích cực hơn nữa và theo đuổi đến cùng những vấn đề mình chất vấn, kiến nghị”.

“Năm 2016 sẽ là một năm thách thức căng thẳng trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chúng ta biết vừa qua Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc sang thăm Việt Nam, có thống nhất với Việt Nam sẽ không làm căng thẳng thêm tình hình Biển Đông, nhưng từ đầu năm họ đã mang pháo, tên lửa đất đối không, mới đây là mang tên lửa đất đối hạm ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đó là điều hết sức lo lắng" - ĐB Sơn bày tỏ.

Về món nợ thứ hai, theo ĐB Nguyễn Anh Sơn, cử tri nhận xét Quốc hội khóa XIII nói rất nhiều, nói rất mạnh về phòng chống tham nhũng nhưng hiệu quả chưa đạt bao nhiêu. Vấn nạn tham nhũng vẫn còn, ngày càng có xu hướng phát triển thêm.

Mở rộng vấn đề hơn, ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) cho rằng, tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội cũng cần nêu lên nỗi lo, mong ước của cử tri, của nhân dân và nhìn lại Quốc hội đã có những giải quyết vấn đề đó như thế nào. Theo ĐB Dung, trong nhiệm kỳ qua nổi lên 7 nỗi lo và 3 mong ước của nhân dân cả nước. 7 nỗi lo là lo về bảo vệ chủ quyền biển đảo; quốc nạn tham nhũng; suy thoái đạo đức xã hội; tụt hậu kinh tế; nợ công quá cao; văn hóa dân tộc đang bị mai một, xuống cấp; thiếu kỷ luật, kỷ cương trong lãnh đạo quản lý điều hành.

“Về mong ước, nhân dân mong ước bộ máy của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp thực sự tinh hoa trí tuệ, thực sự tận tụy, thực sự liêm chính. Xã hội dân chủ, kỷ cương, an bình, văn hóa dân tộc được duy trì và phát triển bền vững. Đất nước được thanh bình, thịnh vượng" - ĐB Võ Thị Dung nêu.

Vẫn chưa quy rõ trách nhiệm

Đánh giá về việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng đây là cách làm mới của Quốc hội, để người giữ trọng trách không ngừng tự hoàn thiện mình.

“Nhưng việc này nhân dân chưa đồng thuận, thiếu kỳ vọng. Bởi vì quy định quá rối rắm với 3 mức tín nhiệm. Tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp là cách làm chưa triệt để, còn lập lờ thì làm sao có cơ sở để cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá cán bộ. Tôi đề nghị cần triển khai quy định 2 mức, tín nhiệm và không tín nhiệm thì mới tạo được bước ngoặt đột phá nhằm nâng cao năng lực, vai trò trách nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm” - ĐB Nghĩa đề nghị.

Còn theo ĐB Nguyễn Anh Sơn, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là một trong điểm sáng trong hoạt động của Quốc hội khóa XIII.

“Quốc hội khóa XIII ngày càng không ngại đặt ra những câu hỏi chất vấn, không ngại va chạm. Không còn câu chuyện lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các bộ, ngành “vỗ vai” ĐB Quốc hội. Cũng không còn có chuyện lãnh đạo bộ, ngành tác động đến lãnh đạo tỉnh để lãnh đạo tỉnh tác động đến ĐB Quốc hội, khiến cho ĐB nản trí, nhụt ý chí trong hoạt động chất vấn" - ĐB Nguyễn Anh Sơn cho hay.

Cũng về hoạt động chất vấn, ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) cho rằng, đây là hoạt động giám sát hiệu quả nhất được cử tri và nhân dân quan tâm theo dõi. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất của chất vấn là phải truy được trách nhiệm.

“Tôi cho rằng khâu này ta làm chưa tốt, thử kiểm lại hàng ngàn câu chất vấn trực tiếp và bằng văn bản của ĐB Quốc hội, không có câu nào là không hỏi trách nhiệm thuộc về ai. Tuy nhiên, câu trả lời về vấn đề trách nhiệm cũng rất ít được trả lời, có thể vì vậy cho nên hàng loạt các vụ việc như phá rừng, làm biệt thự trái phép..., vẫn là câu hỏi trách nhiệm mà cử tri muốn có được câu trả lời rõ ràng"- ĐB Huệ băn khoăn.