Dân Việt

Kế hoạch "1.000 tỷ lát đá vỉa hè trung tâm TP.HCM" gây tranh cãi

Hữu Công 29/03/2016 10:58 GMT+7
Theo các chuyên gia, việc đầu tư cả nghìn tỷ đồng để lát đá granite vỉa hè khu trung tâm TP.HCM là việc làm không cần thiết và rất lãng phí.

Trao đổi với VnExpress, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho biết, trên thế giới người ta thường lát đá granite hay một số loại đá đắt tiền khác ở những khu vực có hạ tầng đã tương đối ổn định, không có nhu cầu đào lên, hoặc đập ra làm lại và đặc biệt là ở những khu vực có công trình ngầm.

"Khi đó, đá granite được lát trên hệ thống nắp, lúc có nhu cầu sửa chữa người ta chỉ cần dỡ nắp lên, sau đó lấp lại, không gây hư hại và rất thuận tiện", ông Sơn nói và cho rằng TP.HCM đang phát triển rất năng động, tất cả các khu vực vẫn còn tăng trưởng, mật độ xây dựng sẽ tăng cao nên nhu cầu nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng cần thực hiện trước khi tính chuyện lát đá "sang" ở vỉa hè.

img

Vỉa hè đường Lê Duẩn (quận 1) đã được lát đá hoa cương khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Hữu Công

"Điều kiện chưa cho phép chúng ta sử dụng loại đá đắt tiền để xây trên vỉa hè. Thậm chí không cần lát bằng gạch mà có thể sử dụng ximăng, miễn là xây dựng đẹp. Khi nào cơ sở hạ tầng hoàn thiện, thành phố hạn chế tầm cao xây dựng lúc đó có thể làm vỉa hè bằng đá granite", ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, quận 1 nói rằng chi phí làm vỉa hè 1.000 tỷ đồng là do các doanh nghiệp bỏ ra, quận sẽ trả chậm trong 3-5 năm "thì về bản chất vẫn là tiền ngân sách".

"Nếu tất cả số tiền này do doanh nghiệp họ tài trợ thì quá tốt. Hiện, chúng ta còn rất nhiều hạng mục cần ưu tiên hơn là đầu tư xây dựng vỉa hè đắt đỏ". Ông Sơn dẫn chứng thêm: "Như dự án nâng cấp, cải tạo Bệnh viện Hùng Vương xin ngân sách 400 tỷ đồng nhưng suốt mấy năm nay chưa được thành phố phê duyệt. Bây giờ bỏ ra cả nghìn tỷ để làm vỉa hè sang trọng thì không hợp lý chút nào".

Trong khi đó, Tiến sĩ Phạm Sanh (giảng viên ĐH Giao thông Vận tải) cho rằng, đá hoa cương vốn cứng, khó thấm nước nên khi lót ở vỉa hè sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc chống ngập các tuyến đường vào mùa mưa. Mùa nắng thì ánh sáng mặt trời bức xạ, phản xạ khiến người đi đường rất khó chịu, chưa kể việc lát đá mặt đường trơn trượt, dễ gây tai nạn.

"Thành phố còn rất nhiều việc phải làm trước mắt, như giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, sự thiếu hụt các bến bãi đậu ôtô và xe máy, nhà vệ sinh công cộng... Số tiền 1.000 tỷ đồng có thể chia sẻ bớt cho những dự án này", ông Sanh nói và cho rằng quận 1 chỉ nên làm thí điểm vài tuyến đường tập trung đông khách du lịch từ đó đánh giá lại tính hiệu quả chứ không nên vội vàng.

Ở một góc nhìn khác, đại biểu HĐND TP.HCM Lâm Thiếu Quân bày tỏ quan ngại khi tình trạng lấn chiếm lòng lề đường đang tràn lan, chưa giải quyết được thì quận 1 đầu tư cả nghìn tỷ đồng để xây dựng vỉa hè bằng đá granite là rất lãng phí.

"Còn rất nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật như đường dây điện, cáp viễn thông chưa ngầm hóa được thì khó tránh được việc đào lên lấp xuống. Việc lát đá granite toàn bộ ở 134 tuyến đường ở quận 1 là không nên chút nào", ông Quân nêu quan điểm.

Trước đó, Chủ tịch UBND quận 1 Trần Thế Thuận cho biết đơn vị đã thống nhất kế hoạch chỉnh trang đô thị, lát đá granite, đồng bộ hóa hạ tầng tất cả các tuyến đường trên địa bàn và chuẩn bị báo cáo UBND TP HCM để xin phép thực hiện.

"Đây là đề xuất của một số doanh nghiệp, cũng như người dân trên địa bàn quận 1 để xây dựng hệ thống vỉa hè trung tâm thành phố khang trang hơn. Các doanh nghiệp cam kết sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư và quận sẽ trả chậm không tính lãi suất với tổng số vốn ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng", ông Thuận nói.

img

Phó chủ tịch UBND quận 1 Nguyễn Thị Thu Hường trả lời báo chí sáng 29.3. Ảnh: Hữu Công

Theo kế hoạch trong số 134 tuyến đường trên địa bàn, 80 tuyến dự kiến thực hiện trước (trong quý II/2016 sẽ làm thí điểm trước ở 5 đường: Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thái Học, Phùng Khắc Khoan, Đồng Khởi và Công xã Paris), các tuyến còn lại sẽ đầu tư sau. Dự án kéo dài trong 3 năm từ 2016 đến 2019.

Trả lời báo chí tại buổi họp báo kinh tế - xã hội của UBND quận 1 sáng 29.3, Phó chủ tịch UBND quận 1 Nguyễn Thị Thu Hường nói số tiền này do các doanh nghiệp gắn bó lâu năm trên địa bàn quận 1 đề xuất tham gia đóng góp để quận thực hiện đầu tư chỉnh trang lại toàn bộ vỉa hè.

Còn kinh phí thực hiện dự án này cụ thể là bao nhiêu, quận sẽ tính toán kỹ trong lộ trình thực hiện đến năm 2019, sau khi có ý kiến đồng ý chủ trương của UBND thành phố. Các doanh nghiệp sẽ ứng vốn cho quận thực hiện không lấy lãi và hoàn trả lại trong thời gian 3-5 năm. Quận 1 hạn chế tối đa sử dụng ngân sách để đầu tư chỉnh trang đô thị, ngân sách quận dành để chăm lo người nghèo, diện chính sách và chương trình nông thôn mới.

"Trong năm 2016 chỉ tập trung thực hiện làm vỉa hè cho 5 con đường. Nguồn tiền trả là nguồn tiền thu ngân sách vượt và tiền thu từ quảng cáo của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đó mới chỉ là chủ trương của quận. Để thực hiện quận sẽ lập chi tiết cụ thể và xin ý kiến của UBND TP.HCM cũng như ý kiến của các chuyên gia", bà Hường cho biết.