Dân Việt

Nỗi khổ “thân trai - hồn nữ” không biết nên… vào phòng WC nào

Diệu Linh 29/03/2016 13:08 GMT+7
Chỉ đơn giản là chuyện đi vệ sinh công cộng thì chị Ngọc Anh cũng không biết nên bước vào “phòng nam” hay “phòng nữ” vì chị “thân trai” mà “hồn nữ”.

“Chúng tôi nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, sống có ích, có ý nghĩa vì thế đừng đề cập đến chúng tôi như nhóm yếu thế cần phải bênh vực, thương hại”. Đây là lời bày tỏ của Nguyễn Ngọc Anh – chuyển giới nữ, 25 tuổi, ở Hà Nội - chia sẻ tại lễ phát động cuộc thi clip về người đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT) do Trung tâm nghiên cứu khoa học giới, gia đình phụ nữ và vị thành niên CSAGA tổ chức ngày 29.3.

img

Bị kỳ thị, người chuyển giới thường phải làm những công việc lao động thô sơ, nguy hiểm. Ảnh: ISC cung cấp.

Ngọc Anh cho biết, chị đã “come out” hoàn toàn sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng. Trước đó, chị cũng đã dần dần thay đổi cách ăn mặc để bố mẹ “làm quen” dần. Nhưng chỉ đến khi có thể tự tin đứng trên đôi chân của mình, có công việc, chị mới dám đối mặt với những khó khăn khi thể hiện giới tính nữ của mình. “Không may mắn như em được gia đình ủng hộ, có nhiều người bạn em để sống thật với giới tính của mình họ đã phải hy sinh nhiều thứ, mất gia đình, mất công việc, thậm chí bị dè bỉu, chửi bới, đánh đập” – Ngọc Anh cho biết.

Theo Ngọc Anh, vài năm nay, cuộc sống của những người chuyển giới, đồng tính đã “sáng sủa” hơn do định kiến trong cộng đồng đã giảm bớt, nhiều người đã mạnh dạn dám sống với giới tính thật của mình. “Tuy nhiên, từ việc chấp nhận đến việc có hành lang pháp lý, có các dịch vụ xã hội phù hợp cho LGBT còn vô cùng khó khăn” – Ngọc Anh tâm sự.

Ngọc Anh cho biết, chỉ đơn giản là chuyện đi vệ sinh công cộng thì chị cũng không biết bước vào “phòng nam” hay “phòng nữ” vì “thân trai” mà “hồn nữ”. Dù là người chuyển giới nhưng chị và bạn bè là chuyển giới nữ vẫn bị gọi đi khám nghĩa vụ quân sự. Nhiều bạn đã phát khóc khi phải lột đồ dưới bao ánh mắt kỳ thị của nam giới khác. Hoặc khi pháp luật không cho phép người chuyển giới làm lại giấy tờ, Ngọc Anh rất khó khăn khi đi máy bay, làm thủ tục ngân hàng vì không ai thừa nhận giấy tờ mang tên nam, giới tính nam mà hình thức lại là nữ.

Cuộc thi clip về LGBT có tên gọi: “Yêu thương không giới hạn” diễn ra từ 29.3 đến 29.5, các video clip dài từ 5-7 phút. Là thành viên Ban giám khảo, đạo diễn Trần Lực chia sẻ, ông mong các bạn trẻ có những thước phim chân thực, chuyển tải sự thật với sự rung động từ trái tim về cuộc sống muôn màu của nhóm LGBT.