Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh, trong những năm gần đây, tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng ngày càng rõ nét đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. Nhiệt độ có xu hướng tăng, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước tưới cho một số loại cây trồng chủ lực của Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ ngày càng gia tăng.
Theo dự báo của các chuyên gia, El Nino tiếp tục kéo dài đến giữa năm 2016. Ngoài cường độ mạnh, đây là El Nino dài nhất trong lịch sử quan trắc ở Việt Nam.
Một vườn càphê đã bị cháy khô do thiếu nước tưới. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Theo tiến sỹ Trương Hồng, Viện phó Viện Khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp, đối với cây càphê, tùy theo từng vùng đất cần sử dụng bộ giống chín trung bình (tầm chín từ đầu tháng 11 đến giữa tháng 12), gồm giống TR1, TR5, TR7, TR8, TR13. Bộ giống càphê chín trung bình, hơi muộn (từ giữa tháng 11 đến cuối tháng 12) gồm các giống như TR9, TR11, TR12...
Một số ý kiến cũng đưa ra các giải pháp trồng xen, đa dạng hóa sản phẩm trong vườn càphê, kỹ thuật tưới nước tiết kiệm, quản lý cây trồng tổng hợp...
Đối với cây hồ tiêu, các nhà khoa học, nhà quản lý đưa ra các giải pháp canh tác giảm thiểu tác hại của hạn hán như trồng cây trụ sống cho cây tiêu bám, trồng xen hồ tiêu trong vườn càphê, trồng cây che bóng trong vườn đối với vườn tiêu trồng bằng trụ chết, trụ ximăng, trụ gạch, tưới tiết kiệm nước kết hợp bón phân qua hệ thống tưới...
Năm 2015, chỉ riêng khu vực Tây Nguyên đã có gần 95.000ha cây trồng bị hạn hán, thiếu nước tưới. Còn mùa khô năm nay, đến thời điểm hiện nay, toàn khu vực Tây Nguyên đã có hơn 7.100ha lúa phải dừng sản xuất, hơn 8.400ha lúa Đông Xuân và gần 40.140ha càphê, 2.290ha tiêu bị thiếu nước tưới... bị mất trắng hoặc giảm năng suất từ 30 đến 70%.
Dự kiến, đến đầu tháng Tư mà không có mưa, diện tích cây trồng chính bị hạn, thiếu nước tưới lên đến 167.000ha; trong đó 14.600ha lúa và 152.760ha càphê bị ảnh hưởng.