Đó là ý tưởng do 3 sinh viên Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng thực hiện thành công, sắp đưa vào sử dụng.
Ba sinh viên đó là Lê Nhật Hưng (ngành công nghệ thông tin), Nguyễn Trần Viết Chương (khoa Đào tạo quốc tế) và Nguyễn Mạnh Tuấn (khoa Điện, Điện tử). Hưng nói: “Em thấy người khiếm thị đi lại rất khó khăn. Việc tiếp cận tri thức của họ cũng bị hạn chế do cần phải có ai đó giúp đỡ. Chưa kể, họ phải học chữ nổi mới có thể đọc những cuốn sách dành cho người khiếm thị. Vì vậy em nghĩ, sao không sáng chế kính đeo giúp người khiếm thị nhận diện vật cản và có thể đọc được chữ”.
Kính đa năng cho người khiếm thị có gắn bộ xử lý. Ảnh: Kim Oanh
Hưng đã chia sẻ ý tưởng với hai bạn Chương và Tuấn để cùng bắt tay nghiên cứu. Cả 3 lùng sục trên các trang mạng nước ngoài để mua loại kính nhựa nhẹ nhất. “Tụi em đặt mua cả tháng hàng mới về tới tay. Sau đó, kính sẽ được gắn với camera dùng để định vị và nhận diện vật cản, do nhóm tự lập trình. Phần kính đeo có một thanh ở trên đầu như tai nghe nhằm giảm gây mỏi tai cho người khiếm thị khi đeo kính. Ngoài ra, trên kính còn có một microphone dùng để nhận diện giọng nói người khiếm thị, cảm biến hồng ngoại để nhận dạng vật cản trong quá trình di chuyển. Sau gần một năm nghiên cứu, sản phẩm đã thành công” - Hưng chia sẻ.
“Chúng em đã thử nghiệm kính trên 30 người khiếm thị và đã nhận được phản hồi tích cực. Để hoàn thiện một sản phẩm, chi phí khá lớn, khoảng 400USD. Chúng em đang liên hệ tìm nhà tài trợ hợp tác để chế tạo sản phẩm đồng loạt nhằm hỗ trợ người khiếm thị và đưa sản phẩm ra thị trường” - Chương cho hay.
Thạc sĩ Đặng Ngọc Sỹ - Phó Giám đốc Trung tâm Điện, Điện tử (Đại học Duy Tân), người đồng hành cùng nhóm, cho biết: “Đây là một sản phẩm rất cần thiết và ý nghĩa đối với những người khiếm thị tại Việt Nam. Đặc biệt, đó là hệ thống định vị hướng dẫn đường đi trong nhà và ngoài đường, cải tiến hệ thống nhận lệnh bằng giọng nói. Hy vọng, trong một thời gian gần nhất sản phẩm của nhóm sẽ được ứng dụng rộng rãi”.