Không chỉ xuất khẩu hạt điều, ngành điều còn đang bàn bạc để xuất khẩu cả máy móc, thiết bị. Ảnh: Phụng Anh
Trước đó, Báo Dân Việt có đưa tin về việc Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ Trường Đại học Bách khoa TP.HCM đã làm việc với đoàn công tác Hội đồng Bông - Điều của Bờ Biển Ngà nhằm bàn bạc về chuyển giao phương tiện máy móc chế biến hạt điều cho nước này. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp và cá nhân trong Hiệp hội Điều đã có ý kiến cho rằng đó là con đường nhanh nhất “bức tử” ngành điều trong nước.
“Không thể không xuất khẩu”
Ông Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) khẳng định: “Quan điểm của tôi, việc xuất khẩu trang thiết bị chế biến hạt điều là không thể không thực hiện. Việc cấm xuất khẩu máy móc sang Bờ Biển Ngà hoặc các nước châu Phi khó mà cấm được. Vì về luật doanh nghiệp và các quy định hiện hành không có văn bản nào cấm nên các đơn vị được phép xuất khẩu”.
"Việc ngăn cản xuất khẩu thiết bị chế biến điều sẽ tạo cơ hội cho các nước khác như Ấn Độ, Trung Quốc, Israrel… xuất khẩu vào châu Phi. Và khi đó sẽ giết chết ngành điều chế biến trong nước”. Ông Jean Pierre Tô |
Ông Thanh cho biết thêm, thực tế hiện nay, Việt Nam có lợi thế là nước đứng đầu trong ngành chế biến xuất khẩu điều trên thế giới nhờ vào lợi thế máy móc, cụ thể là máy tách vỏ hạt điều. Còn các thiết bị khác các nước như Italia, Trung Quốc, Ấn Độ cũng có.
“Việc xuất khẩu các thiết bị, máy móc ngành điều từ Việt Nam sang các nước, Hiệp hội Điều đều biết và các nước nhập cũng công khai chiến lược phát triển ngành công nghiệp chế biến hạt điều của họ rất rõ. Chính vì thế, khi họ yêu cầu chúng ta giúp đỡ về thiết bị, máy móc, tôi cũng có yêu cầu bên đối tác phải có lộ trình. Như đề xuất từ đây đến năm 2020, Bờ Biển Ngà phải cấp một quota dành riêng xuất cho Việt Nam 500.000 tấn điều mỗi năm. Nhưng hiện nay họ vẫn chưa trả lời. Riêng Trường Đại học Bách khoa TP.HCM hợp tác như thế nào, nội dung ra sao đến nay tôi vẫn chưa được rõ và yêu cầu đại diện giải thích” – ông Thanh thông tin.
Đại diện Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, ông Jean Pierre Tô – Phó Giám đốc cho rằng, việc ngăn cấm quá trình hội nhập toàn cầu của ngành cơ khí chế tạo thiết bị chế biền điều của Việt Nam là không thể. Tuy nhiên, chuyển giao tùy tiện cũng là điều đáng lo ngại. Do đó, Trường Đại học Bách khoa đã xây dựng chiến lược phát triển lâu dài cho ngành bằng việc xây dựng một chương trình hợp tác để nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ từ kinh nghiệm đã làm trước đó.
Phải có ràng buộc
Ông Nguyễn Văn Lãng - nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, kinh nghiệm nhiều năm làm việc với các nước châu Phi khiến ông và nhiều doanh nghiệp khổ sở. “Vì họ không giữ chữ tín. Chưa có vụ làm ăn nào trôi chảy, thuận lợi. Toàn gặp nhiều vấn đề về chất lượng, thủ tục… Nếu ngay khi họ chấp nhận cấp quota xuất khẩu cho Việt Nam mỗi năm 500.000 tấn điều thô thì chưa chắc họ sẽ thực hiện khi chúng ta chuyển giao công nghệ, máy móc cho họ” – ông Lãng lo lắng.
Còn theo ông Phạm Đình Thanh - cựu thành viên Vianacas, xuất khẩu thiết bị chế biến là thế mạnh của Việt Nam thì phải phát huy. Tuy nhiên phải có điều kiện, có chế độ bảo hành để giữ uy tín. Khi đó, chúng ta sẽ có vai trò lớn trong ngành điều thế giới không chỉ ở khâu sản xuất mà còn ở máy móc, thiết bị. Song song với đó, cần phát triển nguồn nguyên liệu trong nước để không còn phụ thuộc vào nước khác, tập trung nghiên cứu để tăng năng suất, hiệu quả của hạt điều. Ngoài ra, ngành chế biến điều trong nước cũng có nhu cầu rất lớn về thiết bị.