Bán theo cân thép thì sẵn sàng
Mặc dù, Vinalines đang muốn “bán đấu giá nguyên trạng ụ nổi 83M” với mức khởi điểm 34,8 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa có công ty nào mua. Trong khi, theo các chuyên gia, theo hợp đồng mua bán sẽ không thể trả lại cho phía Nga, thậm chí cho không Nga cũng không lấy.
Đáng buồn nhất đó chính là nếu tổ chức đấu thầu quốc tế cũng khó tìm được người mua, mà chỉ trông chờ vào các nhà thu mua trong nước.
PV Đất Việt đã liên hệ với một số đại gia, công ty có tiếng về buôn bán, thu mua sắt vụn, phế liệu tại Bắc Ninh, nhưng tất cả đều không quen thuộc với một chiếc ụ nổi.
Chia sẻ thông tin, ông Nguyễn Thế Dân - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và xuất nhập khẩu Đại Phước Thịnh cho biết: "Phía công ty chúng tôi chưa từng thu mua và phá dỡ sản phẩm nào như chiếc ụ nổi. Tuy nhiên, nếu một chiếc ụ nổi để thời gian lâu mà bán lại với giá phế liệu thì công ty chúng tôi cũng sẵn sàng mua, dựa theo cân thép.
Ụ nổi 83M được đắp chiếu từ khi mua về
Nhưng công ty tôi cũng cần phải khảo sát thực tế giá thép vì nó biến đổi theo ngày, bên cạnh đó, xem xét cụ thể chiếc ụ nổi tình trạng ra sao, trọng lượng thực".
Bên cạnh đó, theo ông Dân, khi có kiểm tra thực tế thì công ty mới đưa ra được mức giá có thể trả cho chiếc ụ nổi trên.
Cũng là một đơn vị có tiếng ở lãng Mẫn Xá, Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh, đại diện doanh Nghiệp Sản Xuất Và Thương Mại Tâm Phát cho hay, phía công ty vẫn thu mua toàn bộ phế liệu từ các công ty, nhà xưởng từ mọi miền đất nước, nhưng chiếc ụ nổi thì công ty cũng chưa từng thu mua qua.
Vì lượng thép này không phải thép sử dụng mà là thép phá dỡ, nên giá thành cũng không cao, thậm chí thấp hơn một nửa so với giá thép bình thường.
Với số lượng thép khoảng 4000 tấn như các chuyên gia chỉ rõ, thì theo đại diện công ty này, mức giá 3 tỷ đồng mà phải bao trọn phá dỡ thì phải tính toán kỹ càng, tham khảo các công ty khác. Vì thực tế sẽ rất ít các công ty muốn mua ụ nổi này vì quá xa so với Bắc Ninh.
Giá trị thực chưa đến 1 tỷ đồng
Hoàn toàn khác quan điểm của hai đại gia trên, ông Lê Hoàng Hiếu - Giám đốc Công Ty TNHH Các Thịnh Xanh, chuyên thu mua các loại phế liệu với số lượng lớn, cho rằng, vẫn có thể mua ụ nổi trên, nhưng giá cả thì không thể có giá gần 35 tỷ đồng, như vậy là quá đắt.
"Nếu cương quyết với mức giá đó thì chắc chắn sẽ không có công ty nào mua, vì ụ nổi trên là nằm chết, lại dưới nước nên việc phá dỡ vô cùng khó khăn. Tôi vô cùng sốc với mức giá gần 35 tỷ đồng này.
Hiện nay, giá thép khoảng 4000đ-4.500đ/kg, nếu với trọng lượng tịnh của ụ nổi là 4000 tấn thì khi phá dỡ chỉ có thể lấy được khoảng 2500 tấn - 3000 tấn chứ không thể nhiều hơn", ông Hiếu nói.
Trong khi, theo ông Hiếu, phá dỡ các ụ nổi như vậy, công nhân rất đắt, bây giờ thuê giá cũng 300.000đ/người/ngày, mà đội phá phải từ 10-12 người, làm liên tục trong vòng 3-4 tháng thì mới có thể xong.
Nên cứ tính thử tiền phá dỡ cũng đã đến vài tỷ đồng, nếu bao trọn gói thì phải trừ của khoản tiền này.
"Với ụ nổi để lâu mà là thép nguyên khối thay vì thép rời, các công ty thường chỉ trả mức 2000đ/kg, thậm chí nhiều công ty non tay cũng không dám mua, vì chi phí quá nhiều.
Bây giờ chúng tôi muốn lấy thép thì phải sử dụng chất hóa học, đúc lỗ và nhiều biện pháp để xé ra được. Rồi thêm các xử lý, bao vùng đất để làm, rồi xử lý môi trường, tất cả các khoản tiền đều rất đắt.
Nếu đồng ý 2000đ/kg, thì tôi sẽ mua, tôi đố bán được trên 1 tỷ đồng. Còn nếu không bán với giá đó thì có thể đi hỏi các công ty khác, tôi e rằng không những không có người mua mà giá lại còn rẻ hơn cả 1 tỷ đồng", ông Hiếu nhấn mạnh.