Ảnh thử nghiệm tên lửa đa nòng mới của Triều Tiên đầu tháng 3.2016.
Đầu tháng 3, lãnh đạo Kim Jong-un yêu cầu kho vũ khí hạt nhân nước này đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Động thái này được hiểu là một sự trả đũa của Bình Nhưỡng nhằm vào lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an.
Tuy nhiên, không chỉ có sức mạnh từ ngôn từ được Triều Tiên phát huy triệt để mà nước này đã chính thức ra mắt hệ thống tên lửa đa nòng (MLRS) mới khiến Hàn Quốc và phương Tây thực sự lo ngại. Theo tuyên bố của Triều Tiên thì “việc thử nghiệm bắn thử hệ thống tên lửa đa nòng đã được thực hiện với đạn nổ kích cỡ lớn, hứa hẹn sẽ được triển khai trong quân đội Triều Tiên thời gian ngắn tới đây”.
Hệ thống tên lửa đa nòng được miêu tả là một hệ thống “hoàn toàn mới với kích cỡ đạn lớn hơn loại cũ” và có thể điều khiển từ xa. Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận chính của Đảng Lao động Triều Tiên cho biết hệ thống tên lửa đa nòng này từng xuất hiện trong lễ duyệt binh tháng 10.2015.
Nếu đặt ở biên giới hai nước, tên lửa Triều Tiên đủ sức bao phủ một nửa diện tích Hàn Quốc.
Nguồn gốc và phiên bản cải tiến của hệ thống tên lửa đa nòng Triều Tiên vẫn là một ẩn số, tuy nhiên chuyên gia quân sự cho biết họ đang dần có được bức tranh tổng thể về khả năng của hệ thống tối tân này. Jeffrey Lewis từ tổ chức Arms Control Wonk phát hiện ra bệ phóng được chế tạo từ phiên bản PR50 122mm do Trung Quốc sản xuất.
Tên lửa 300mm được cho là mang nhiều nét giống hệ thống hiện có của Trung Quốc và Pakistan. Joseph Dempsey của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế cho rằng tên lửa Triều Tiên có nhiều nét giống tên lửa SY300 do Trung Quốc chế tạo. Lewis cũng đặt giả thuyết tên lửa mới giống loại Hatf-IX/Nasr 300mm của quân đội Pakistan với khả năng gắn được đầu đạn hạt nhân.
Vụ thử nghiệm hệ thống tên lửa đa nòng xuất hiện tròn 2 năm sau khi Triều Tiên liên tiếp bắn tên lửa tầm ngắn vào biển Nhật Bản năm 2014. Hệ thống này được cho là phù hợp để đối phó với Hàn Quốc trong chiến tranh truyền thống và đủ sức tiêu diệt đa mục tiêu trong thời gian ngắn.
Loại tên lửa lắp đặt trên hệ thống PR50 của Trung Quốc với cỡ nòng 122mm, trọng lượng 74kg, dài 2,9m và có thể mang được đầu đạn nổ nặng tới 21,5kg.
Theo hãng tin Yonhap, hệ thống tên lửa đa nòng của Triều Tiên là mối đe dọa lớn nhất với Seoul khi tầm bắn lên tới 190km. Điều này đồng nghĩa hơn một nửa diện tích Hàn Quốc nằm trong tầm bắn của bệ phóng với cỡ đạn 300mm.
John Schilling, kĩ sư hàng không Mỹ có kinh nghiệm với tên lửa Triều Tiên từng viết một bài trên website 38 North, trong đó khẳng định động cơ tên lửa nhiên liệu rắn của Triều Tiên rất nguy hiểm vì khó phát hiện tên lửa loại này. Động cơ nhiên liệu rắn được cho là sử dụng hàng loạt trong hệ thống tên lửa đa nòng.
Hatf-IX/Nasr 300mm của quân đội Pakistan được phát triển bởi Tổ hợp Phát triển Quốc gia NDC, có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân và xuyên phá mọi hệ thống phòng thủ tên lửa.