TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng đi xe công cộng không phải là mục đích mà chống ùn tắc giao thông mới là mục đích cần hướng đến (ảnh: Xuân Tùng/ Infonet).
Thưa ông, có chuyên gia phát biểu tại Hội thảo các giải pháp giảm ùn tắc và tai nạn giao thông (TNGT) giai đoạn 2016-2020 tại TP.HCM là “cứ để kẹt xe người dân hết chịu nổi sẽ chuyển sang dùng phương tiện công cộng”. Theo ông, điều này có hợp lý không?
- Tôi rất ngạc nhiên khi nghe đến đề xuất này, lần đầu có người đề nghị như thế. Theo đề nghị này, tức là phải tạo cản trở cho người dân để người ta phải đi phương tiện khác. Không bao giờ người ta làm như thế cả.
Tại sao không làm như vậy thưa ông?
- Thực ra, người dân phải đi phương tiện giao thông công cộng là do đường chật. Ví dụ như thành phố rộng lớn mà có 10 vạn dân thì người dân không cần thiết phải đi phương tiện giao thông công cộng, người ta có thể sắm phương tiện cá nhân, thậm chí là xe đạp để người ta đi. Còn Thành phố càng lớn, mật độ phương tiện càng dày đặc, đường không thể đáp ứng được thì người dân buộc phải dùng phương tiện giao thông công cộng. Nói cho cùng đi phương tiện cá nhân vẫn là nhất vì chủ động, năng động, đi đường nào thì đi.
Nhưng do khó khăn, không thể mở rộng thành phố mãi được, không thể phá nhà dân mà mở rộng mãi được thì buộc phải để con đường như vậy và thay đổi phương tiện bằng phương tiện công cộng. Một người đi xe công cộng chỉ chiếm diện tích mặt đường bằng 1/5 – 1/30 so với người sử dụng xe ô tô cá nhân thôi.
Chứ đừng nghĩ rằng, phải buộc người dân đi xe công cộng thì ta phải làm hẹp đường lại, không mở rộng đường ra nữa. Nói như thế rất buồn cười, không ai người ta làm như thế cả.
Vậy mục đích chúng ta hướng đến là gì?
- Đi xe công cộng không phải là mục đích, mục đích ở đây là chống ùn tắc giao thông. Nếu lựa chọn mục đích hướng tới là đi xe công cộng, thì đúng là phải làm hẹp đường nhưng có ai người ta nói thế đâu. Bởi làm một đường cho xe công cộng rất đắt. Như làm tuyến tàu điện ngầm phải tốn 100 – 102 triệu USD/km. Chẳng lẽ bảo làm đường hẹp đi để người dân đi Metro? Chúng ta không thể có đủ tiền để xây dựng hạ tầng đảm bảo 100% người dân đi xe công cộng, người dân vẫn phải sử dụng phương tiện giao thông cá nhân.
Theo ông, TP.HCM cần giải quyết những vấn đề gì để giải quyết ùn tắc giao thông?
- TP.HCM là một siêu đô thị cả về diện tích và dân số. Phương tiện cũng rất đa dạng, gây ra mật độ quá cao, ùn tắc giao thông. Trong khi đó, đường sá rất chật hẹp. Tuy đã có cố gắng nhiều rồi, thay đổi nhiều rồi nhưng 40% – 50% mặt cắt đường dưới 6m – 7m. Nghĩa là hạ tầng vẫn còn yếu kém. Nhiều ngã tư vẫn chưa có cầu vượt, xung đột giữa các dòng xe còn nặng. Bên cạnh đó, phương tiện công cộng còn quá yếu kém so với thành phố siêu đô thị. Thành phố có một triệu dân đã phải có đường sắt đô thị rồi, bây giờ mình có hơn 10 triệu người mà chưa có một mét đường sắt đô thị nào cả.
Theo tôi, chiến lược về chống ùn tắc, giao thông đô thị chưa tốt. Lẽ ra thời gian 2002 – 2005 phải có tàu điện đô thị rồi nhưng đến giờ vẫn chưa có. Tôi không đánh giá quá cao yếu tố hạ tầng, bởi hạ tầng đòi hỏi tiền nhưng sử dụng bao nhiêu, sử dụng ra sao và ở đâu mới là quan trọng. Như việc chúng ta đầu tư rất nhiều cho sân bay, cảng biển, khu đô thị nhưng hạ tầng giao thông trong đô thị lại chưa được quan tâm đúng mức.
Xin cảm ơn ông!
Tại Hội thảo các giải pháp giảm ùn tắc và tai nạn giao thông giai đoạn 2016-2020 được tổ chức ngày 29.3 tại TP.HCM, TS. Huỳnh Thế Du (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) cho rằng: “Tập trung xây thêm đường và làm cầu vượt để giải quyết tình trạng ùn tắc như hiện nay khiến tình trạng này trong tương lai càng trở nên nghiêm trọng hơn”. Theo TS. Du, nguyên nhân là khi xây thêm đường nhiều người có xu hướng mua thêm phương tiện cá nhân và sử dụng thường xuyên hơn. TS. Huỳnh Thế Du cho hay: “Nếu không mở đường mà cứ để kẹt xe người dân chịu hết nổi tất yếu sẽ chuyển sang dùng phương tiện công cộng”. Ông Du đề nghị trong 5 – 10 năm tới TP.HCM cần tập trung nguồn lực phát triển bằng được vận tải hành khách công cộng, nếu không khả năng Thành phố sẽ trở thành một bãi đậu xe khổng lồ. |