Dân Việt

Đừng để giấc mơ “tiqui-taca” của ĐT Việt Nam thành hư không

Phương Nam 31/03/2016 17:00 GMT+7
NHM mộ muốn ĐT Việt Nam chơi theo lối chơi tiqui-taca. Thế nhưng để đi đến cái đích đó là cả một chặng đường dài mà VFF phải là người định hướng. Đừng nên tâng bốc hay kỳ vọng quá khi thực tế nền bóng đá của chúng ta vẫn dậm chân tại chỗ.

Một lần nữa, ĐT Việt Nam “trở lại mặt đất” khi thua Iraq trong một trận đấu mà nhiều người hy vọng sẽ làm nên chuyện, thậm chí cửa vào vòng loại World Cup tiếp theo vẫn còn nếu ngang ngửa về mặt tỷ số với đối thủ. Dư luận không còn “ca” lên mây sau trận thắng Đài Loan như là lối chơi tiqui-taca bắt đầu thuần thục, khả năng ghi bàn vượt trội, chiến thuật thi đấu phù hợp, sức bền vượt trội… Thay vào đó là một sự lặng lẽ, cảm thông. Thực tế, VFF còn quá nhiều điều phải làm để đội tuyển có thể thay đổi.

img

ĐT Việt Nam vẫn chưa thể định hình một lối chơi cụ thể. Ảnh: IT.

Iraq là một đội bóng tầm trung ở khu vực Tây Á. Họ có đẳng cấp cao hơn hẳn tuyển Việt Nam, nhưng cũng là một trong những đội bóng có phong độ thiếu ổn định, thậm chí đang trong giai đoạn đi xuống. Hai trận gặp Thái Lan, họ đều bị cầm hòa. Trận lượt đi gặp Việt Nam, họ cũng bị thủ hòa. Điều này cho thấy dù có bề dày thành tích nhiều hơn nhưng họ không phải là đội mạnh trong giai đoạn hiện nay. Ở trận lượt về vòng loại World Cup gặp Việt Nam trên sân trung lập Iran, họ càng cho thấy điều đó. Thi đấu thiếu đường nét, dựa vào sức mạnh thể lực là chính, trong khi khả năng kiến tạo và dứt điểm lại kém. Bàn thắng ghi vào lưới Việt Nam không phải từ một pha phối hợp đẹp mà may mắn nhiều hơn. Cả trận đấu gần như họ không dàn xếp được tình huống nào dẫn đến xác suất bàn thắng cao. Nhưng chúng ta lại càng dưới cơ hơn.

Khoảng 15 phút đầu các cầu thủ Việt Nam cố gắng chơi bóng kiểu… tiqui-taca, nhưng thực tế nó là một sự rối mù. Cầu thủ cầm bóng và chuyền trong thế khó, cầu thủ nhận bóng càng khó khăn hơn khi không chạy chỗ thông minh, nên lối chơi này hoàn toàn phá sản, bị đối phương áp sát và lấy bóng dễ dàng. Không thực hiện được ý đồ, các cầu thủ trẻ sớm bế tắc nên càng không thể triển khai tấn công. Sang hiệp 2, thể lực giảm thấy rõ. Đến những cầu thủ đại diện cho lối chơi kỹ thuật được ca ngợi nhất hiện nay như Văn Toàn, Tuấn Anh, Xuân Trường cũng không có được đường chuyền nào khiến đối phương gặp khó khăn. Đuối sức, không chỉ Văn Toàn và nhiều cầu thủ khác nhận bóng cũng không chuẩn nên dễ dàng mất bóng khi bị đối phương áp sát.

Những điểm yếu của tuyển Việt Nam được một số bình luận cho là do… sân thi đấu quá xấu, đối phương có ngoại hình cao to, đội tuyển mới tập trung thời gian ngắn nên chưa đủ sức bền… Không nhiều người dám thừa nhận rằng đội tuyển hiện nay dường như có sự thụt lùi so với trước. Đài Loan là một đội bóng quá yếu, thậm chí có cảm giác họ chưa biết phòng ngự ra sao khi đối phương tấn công. Ghi bàn vào lưới một đội bóng như vậy mà mọi người lại ca đội tuyển và HLV lên mây khi cho rằng đó là một hình mẫu của lối chơi tiqui-taca!

Thực tế, đến thời điểm này có thể nói chưa thể hình thành lối chơi này ở tuyển Việt Nam. Chơi được tiqui-taca đúng nghĩa đòi hỏi cầu thủ phải có kỹ thuật điêu luyện, chạm bóng và chuyền bóng không cần chạy đà, chạy chỗ hết sức thông minh để đối phương không thể kèm người… Cầu thủ hiện nay quá hiếm hoi người chơi được như vậy. Về thể lực, đội tuyển cho thấy một sự xuống cấp quá lớn. Trước đây không lâu, họ có thể chạy đến cả hiệp phụ, thi đấu rắn rỏi với đủ đối thủ cao to, còn giờ chỉ đá non nửa hiệp 2 đã đuối, lần lượt Xuân Trường, Tuấn Anh phải rời sân. Đừng đổ cho chuyện tập trung ngắn bởi đã là tuyển thủ thì thể lực phải luôn trong tư thế sẵn sàng.

Mong rằng những người am hiểu thực sự hãy định hướng và xây dựng đội tuyển một cách thực chất hơn. Những gì hôm nay còn yếu thì cần dám nhìn thẳng để có giải pháp khắc phục. Đừng có thói quen tự tâng bốc nhau để càng ngày bóng đá càng thụt lùi.