Dân Việt

Đánh giá cao lãnh đạo xin từ chức vì sinh con thứ 3

Diệu Linh 31/03/2016 15:57 GMT+7
Đây là quan điểm của ông Nguyễn Văn Tân – Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Dân số -KHHGĐ về việc ông Phạm Hồng Thái - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình xin từ chức sau khi sinh con thứ 3 ngày 29.3 vừa qua.

img

Ông Phạm Hồng Thái (ngoài cùng bên trái) trong một lần cùng lãnh đạo Quảng Bình đến thăm “người chăn voọc” Nguyễn Thanh Tú ở xã Thạch Hóa.

Ông Tân cho biết, chính sách dân số hiện nay hoàn toàn tôn trọng quyền của người dân trong việc quyết định số con muốn sinh. Theo ông Tân, mọi chính sách của Nhà nước, kể cả Nghị quyết của Đảng đều không kiểm soát, không ép buộc người dân ở bất cứ thành phần nào, vùng miền nào, dân tộc nào về số con sinh ra, cũng không có điều khoản nào xử phạt người dân sinh con thứ 3 trở lên.

Tuy nhiên, năm 2011,  Ủy ban Kiểm tra T.Ư có ban hành Hướng dẫn xử lý kỷ luật Đảng viên (ĐV) vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình. Chỉ những người trong tổ chức Đảng mới phải chịu hình thức kỷ luật. Theo đó, Đảng viên sinh con thứ 3 bị khiển trách, sinh con thứ 4 mới bị cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ) và đến con thứ 5 mới bị khai trừ. “Ông Thái là Đảng viên, tự thấy mình không thực hiện đúng kỷ luật Đảng, không làm gương cho người dân nên xin từ chức. Riêng tôi đánh giá cao hành động tự giác này của ông Thái”.

Theo ông Tân, thực tế có khá nhiều Đảng viên, lãnh đạo các cơ quan đã trốn tránh việc kỷ luật Đảng khi sinh con thứ 3 như đưa vợ về quê sinh con sau đó làm thủ tục nhận chính con đẻ của mình là “con nuôi” hoặc nói đổ là nuôi hộ con chị, con anh... “Khi thấy mình chưa thực hiện đúng kỷ luật Đảng thì nên tự giác nhận trách nhiệm” – ông Tân cho biết.

Ông Tân cũng nhận định, tuy không ép buộc người dân về số con nhưng chính sách dân số của nhà nước ta hiện này là “khuyến khích sinh đủ 2 con để nuôi dạy cho tốt”. Hiện nay, có hiện tượng nhiều gia đình cố sinh con thứ 3 sau khi sinh 2 con một bề là gái. Họ sử dụng nhiều biện pháp để nhằm sinh con trai trong đó có cả biện pháp siêu âm và phá thai nếu thai nhi là gái. Điều đó dẫn tới tình trạng mất cân bằng giới tính ở lần sinh thứ 3 rất cao. Nếu lần sinh đầu, tỷ lệ giới tính khi sinh lần đầu là 110 trẻ nam/100 trẻ nữ thì lần sinh thứ 3, tỷ lệ này là 115/100, ở một số địa phương, tỷ lệ giới tính khi sinh ở lần sinh thứ 3 thậm chí lên tới 150-170/100. Còn tỷ lệ giới tính khi sinh trung bình của Việt Nam hiện nay là 113/100. Với tỷ lệ này, dự tính Việt Nam sẽ thiếu khoảng 2,3-4,3 triệu cô dâu vào năm 2025. “Do đó, Việt Nam kiên trì chính sách vận động người dân không sinh con thứ 3”.

Đối với dư luận cho rằng nên khuyến khích người dân sinh con thứ 3 vì tỷ lệ sinh đang giảm mạnh, ông Tân cho biết, điều này chỉ diễn ra ở Tp Hồ Chí Minh hoặc một số tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long. Còn mức sinh ở Việt Nam từ năm 2011 đến nay vẫn tăng nhẹ, từ 1,99 (năm 2011) lên 2,1 (2016). Đặc biệt ở vùng sâu vùng xa hoặc một số địa phương có tình trạng mất cân bằng giới tính cao, mức sinh vẫn từ 2,5-3,0, không hề thấp. “Nếu không tuyên truyền vận động mà để người dân đẻ thoải mái thì cả xã hội không đủ điều kiện để đáp ứng số lượng dân quá lớn, điều đó sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ xã hội” – ông Tân nhận định.