Dưới đây, Tiến sĩ Aisling Hillick, bác sỹ chuyên khoa tại Trung tâm ứng dụng y tế Babylon, Anh sẽ cung cấp danh sách một số loại thực phẩm và thuốc không nên dùng chung.
Chuối và thuốc huyết áp
Chuối rất giàu kali, là một loại thực phẩm tốt, nhưng đối với những người dùng thuốc như Captopril, loại thuốc ức chế men chuyển hoặc chèn thụ thể Angiotensin, thì cần tránh dùng chung với hầu hết các thực phẩm giàu kali như rau lá xanh và chuối.
Tiến sĩ Hillick nói: "Dùng chung với Captopril, những thực phẩm này có thể gây ra nồng độ kali cao. Nồng độ quá cao có thể gây rối loạn nhịp tim và hồi hộp.”
Chanh và thuốc ho
Hãy cẩn thận với chanh hoặc cam nếu bạn đang dùng các loại thuốc ho có dextromethorphan. Tiến sĩ Hillick cho biết: "Các loại quả có múi có thể can thiệp vào quá trình phân hủy thuốc trong cơ thể nhanh hơn so với bình thường. Điều này có thể dẫn đến tác dụng phụ như ảo giác hoặc buồn ngủ."
Tác dụng của chanh và cam có thể kéo dài trong 24 giờ hoặc nhiều hơn, nên bạn cần tính toán để tránh dùng loại thực phẩm này khi cần uống các loại thuốc ho.
Rượu và thuốc kháng histamine, thuốc trị tiểu đường hoặc thuốc giảm đau
Nhiều loại thuốc thường đi kèm với một cảnh báo tránh rượu, do chất cồn trong rượu gây áp lực trên gan của bạn. Tiến sỹ Hillick nói: "Rượu, paracetamol và codein đều được chuyển hóa ở gan. Gan sẽ phải làm việc quá sức để vừa phá vỡ rượu và vừa chuyển hóa các loại thuốc cùng một lúc. Điều này có thể làm tăng nguy cơ tác dụng phụ của các loại thuốc, bao gồm buồn ngủ. Ngoài ra, gan bị quá tải có thể làm tăng nguy cơ tổn thương gan."
Cà phê và thuốc giãn phế quản cho bệnh hen suyễn
Thuốc hen suyễn có tác dụng giúp bệnh nhân thở dễ dàng hơn bằng cách làm giãn các cơ trong phổi và mở rộng đường hô hấp. Tác dụng phụ thường gặp của những bao gồm đánh trống ngực, căng thẳng và dễ bị kích thích. Khi trộn với caffeine những rủi ro này lại càng tăng cao. Sử dụng quá nhiều caffeine cũng có thể hạn chế hiệu quả của thuốc. Trong trường hợp khẩn cấp, hãy gọi ngay cho bác sỹ khi lỡ dùng chung cà phê với thuốc mà có tác dụng phụ nghiêm trọng.
Rau lá xanh và thuốc chống đông máu
Rau lá xanh là một phần của một chế độ ăn uống lành mạnh nhưng khi bạn đang dùng thuốc chống đông máu như warfarin, bạn cần phải cẩn thận không với lượng lá xanh trong khẩu phần ăn hàng ngày. "Rau lá xanh rất giàu vitamin K giúp đông máu, Warfarin được thiết kế để ngăn chặn việc sản xuất vitamin K vì vậy nếu bạn đột nhiên ăn nhiều rau xanh, điều này sẽ gây trở ngại với tác dụng của thuốc."
Cam thảo và thuốc tim
Cam thảo làm giảm kali trong cơ thể của bạn, có thể nguy hiểm cho những người có tiền sử bệnh tim. Theo tiến sỹ Hillick, kali ở mức độ thấp có thể làm tăng tác dụng phụ của digoxin, chất được sử dụng để điều trị suy tim sung huyết và nhịp tim bất thường. Thuốc lợi tiểu để điều trị huyết áp cao, bệnh tăng nhãn áp, suy tim và vấn đề về gan và thận cũng có phản ứng rất nhạy với cam thảo. Khi dùng chung thuốc và cam thảo có thể gây ra suy nhược, đau bụng và rối loạn nhịp tim.
Sữa và thuốc kháng sinh
Ciprofloxacin và tetracycline nên được uống cùng một ly nước một giờ trước bữa ăn hoặc hai giờ sau khi ăn. Thực phẩm đi vào hệ tiêu hóa sẽ làm cản trở đến việc cơ thể hấp thụ các loại thuốc và sữa là một trong những thực phẩm gây cản trở nhiều nhất. Khi sữa đi vào đường ruột, nó sẽ tráng một lớp mỏng lên bề mặt thành ruột, ngăn cản quá trình hấp thụ thuốc, khiến thuốc bị đào thải khỏi cơ thể và làm giảm tác dụng của thuốc. Các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ cũng tương tự như sữa, không phù hợp dùng chung với thuốc kháng sinh.
Cá hồi hun khói / xúc xích / pate và thuốc chống trầm cảm
Hãy hỏi ý kiến bác sỹ của bạn nếu bạn đang phải dùng loại thuốc chống trầm cảm có các chất ức chế monoamine oxidase (MAOIs) trước khi bạn thưởng thức thịt hun khói, xúc xích, cá hồi hun khói hoặc pate gan gà. "Vấn đề là những thực phẩm rất giàu tyramine, một hợp chất gây ra do sự phân hủy axit amin. Khi trộn với MAOIs, nó có thể gây ra mức độ tyramine tăng vọt dẫn đến huyết áp cao đột ngột, điều này rất nguy hiểm."
Các thực phẩm khác trong danh sách nên tránh dùng chung với thuốc trầm cảm bao gồm phô mai và các loại cá, thịt chế biến sẵn khác.
Socola và Ritalin
Tiến sĩ Hillick cảnh báo: "Các caffeine trong socola có thể có tác dụng kích thích, đặc biệt là khi dùng với các loại thuốc kích thích như Ritalin, thuốc được sử dụng để điều trị ADHD (bệnh thiếu chú ý và hiếu động quá mức), bệnh nhân cần phải cẩn thận hơn. Tất nhiên, thỉnh thoảng uống một cốc cà phê, nước giải khát chứa caffeine hoặc ăn một thanh socola là tốt, nhưng không thể dùng nhiều cho những người dùng thuốc này. Nếu không, họ cảm thấy bị bồn chồn, mất ngủ và hồi hộp."