Cụ thể, theo Mirror, Triều Tiên ngày 10.3 vừa phát hành một tài liệu trong đó lên án Trung Quốc gay gắt. Tài liệu này cáo buộc Trung Quốc là “kẻ phản bội” và lên án Bắc Kinh ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhắm vào Bình Nhưỡng gần đây.
Đồng thời, tài liệu này cũng đe dọa sẽ tấn công Trung Quốc bằng một lực lượng mạnh như “một cơn bão hạt nhân”.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un (giữa) giám sát một cuộc tập trận của quân đội Triều Tiên.
“Chúng ta không mềm mỏng, dễ dãi đối với người Trung Quốc nữa mà thay vào đó, sẽ đối xử với họ bình đẳng nhằm thay đổi thái độ xem nhẹ chúng ta của họ”, Mirror dẫn tài liệu đang được Triều Tiên lưu hành.
“Tất cả công nhân viên và đảng viên phải tham gia và góp phần thúc đẩy các chiến lược gây sức ép đối với Trung Quốc bởi sự phản bội của họ”, tài liệu kêu gọi.
Theo Mirror, tài liệu nói trên do Đảng Lao động Triều Tiên phát hành và được trang tin tức Hàn Quốc Daily NK đăng tải lại.
Ngoài ra, một giáo sư tại Đại học Kansai tên là Lee Young Hwa cũng khẳng định, Triều Tiên đã công khai tuyên bố xem Trung Quốc là “kẻ thù” tương tự Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản.
Ông Lee cho hay, tài liệu mà Triều Tiên phát hành cáo buộc, Trung Quốc “hăng hái tham gia” xử phạt họ vì “quan ngại địa vị thống trị Đông Bắc Á của nước này bị lung lay”. Ông Lee còn bình luận thêm rằng, thuật ngữ “cơn bão hạt nhân” mà Bình Nhưỡng sử dụng cho thấy, nước này đang đe dọa Bắc Kinh bằng tên lửa và hạt nhân.
Trung Quốc vốn là đồng minh và đối tác kinh tế quan trọng nhất của Triều Tiên. Tuy nhiên, mối quan hệ “môi hở răng lạnh” giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đã xuất hiện nhiều dấu hiệu rạn nứt đáng kể bởi những vụ thử hạt nhân, tên lửa mà Triều Tiên thực hiện những năm gần đây bất chấp sự không bằng lòng của Trung Quốc.
Sự kiên nhẫn của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng đã bị thử thách nghiêm trọng những vụ thử hạt nhân và hàng loạt vụ phóng tên lửa mà Triều Tiên thực hiện mấy năm gần đây.
Đầu tháng này, Bắc Kinh nhất trí ủng hộ đề xuất tăng cường và thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng sau khi nước này thử hạt nhân vào ngày 6.1 bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế.