Gần đây xảy ra nhiều vụ tạt axit thương tâm khiến nạn nhân bị bỏng nặng dẫn đến thương tật vĩnh viễn, hoặc tàn phế.
Như thông tin đã đưa, vào trưa ngày 30.3, hai nữ sinh đang điều khiển xe máy trên đường Quang Trung, TP.HCM, thì có hai nam thanh niên điều khiển xe máy từ phía sau lao tới, tạt axit vào mặt nữ sinh viên cầm lái.
Chất lỏng khiến trang phục, mặt và tay của cô gái điều khiển xe bốc khói, cháy; cô gái còn lại bị chất lỏng bắn vào áo quần tạo thành nhiều vết cháy, bỏng nhẹ. Theo thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy, nữ sinh viên tên H. bị bỏng nặng độ 3-4, chiếm 75% diện tích khuôn mặt. Mắt trái bị bỏng giác mạc dẫn đến bị mù; mắt phải bị tổn thương da mi.
Axit nguy hiểm như thế nào?
Nữ sinh bị tạt axít đang được cấp cứu. Ảnh: VTC News
Axit có nhiều loại, trong đó có 3 loại axit vô cơ mạnh thường gây bỏng, đó là axit sunfuric (H2SO4), axit nitric (HNO3) và axit clohidric (HCI). Đây đều là các axit có tính oxy hóa mạnh, nhất là ở nồng độ đậm đặc sẽ gây bỏng và tổn thương nhanh chóng khi tiếp xúc trực tiếp qua da, thông tin trên Vnexpress cho hay.
Theo các chuyên gia, axit có tính oxy hóa mạnh nên khi tác động lên cơ thể, axit sẽ phá hủy cấu trúc mô như da, mỡ, gân, cơ, gây hoại tử từ ngoài vào trong theo cơ chế đông vón protein của cơ thể.
Chất này tác động rất nhanh, chỉ cần dính vào chưa đầy 5 giây là có thể khiến nạn nhân bỏng nặng. Nếu không được sơ cứu kịp thời, axit sẽ tiếp tục làm cháy da, tổn thương xương và các bộ phận khác.
Vậy cách sơ cứu nạn nhân bị dính axit như thế nào?
- Khi hóa chất còn lưu trên da, cần loại bỏ nguyên nhân gây bỏng bằng cách rửa sạch hóa chất ra khỏi bề mặt da bằng nước lạnh trong 15 phút trở lên. Khi rửa, chú ý giữ tư thế sao cho không để axit chảy vào vùng khác của cơ thể. Nếu hóa chất gây bỏng ở dạng bột như vôi, hãy chải sạch nó ra khỏi da trước khi rửa.
- Không cởi quần áo người bị bỏng vì rất dễ gây lột da. Các vùng hóa chất hoặc axit chỉ mới bám vào quần áo thì cần nhẹ nhàng cắt bỏ, không tiếp xúc bằng tay không.
- Che phủ vùng bị bỏng bằng băng gạc khô vô trùng hoặc quần áo sạch.
- Nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện hoặc gọi cấp cứu ngay.
Không dùng sữa để rửa vết bỏng do axít
Theo thông tin trên báo Thanh niên, phản ứng axit sẽ tỏa nhiệt và nếu dùng sữa (kiềm) để rửa vết bỏng thì sẽ tạo ra nhiệt nhiều hơn và có thể khiến vùng da bị bỏng nặng hơn. Hơn nữa, sữa là một chất dinh dưỡng chứa vi sinh làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Nếu không thể sơ cứu bằng nước, hãy cho nạn nhân đi cấp cứu càng sớm càng tốt. Nếu trong trường hợp nặng, axít thâm nhập vào trong xương có thể gây tử vong.
Lưu ý: Không thoa bất kỳ loại kem, thuốc mỡ vào vùng bị ảnh hưởng vì nó có thể làm chậm quá trình điều trị của bác sĩ.
Nếu có thể, sử dụng gạc tiệt trùng để quấn lỏng các khu vực bị ảnh hưởng. Các gạc bảo vệ da khỏi không khí bụi bẩn và ô nhiễm.