Thuỷ điện Cảnh Hồng (Vân Nam, Trung Quốc). Ảnh: T.L
PGS Lê Anh Tuấn - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu khẳng định: Đến ngày 1.4, các địa phương ĐBSCL vẫn chưa nhận được nước từ phía đập Cảnh Hồng (Trung Quốc). Vài ngày nữa, nếu nguồn nước có đến vẫn không được bao nhiêu và không có ý nghĩa gì vì nhiều địa phương đã bị thiệt hại.
PGS Tuấn cho rằng, phía Trung Quốc tuyên bố, từ ngày 15.3 đến 10.4, sẽ xả đập thủy điện Cảnh Hồng xuống hạ lưu sông Mekong với lưu lượng xả 2.190m3/giây. Tuy nhiên, từ chối cung cấp số liệu về tổng lượng nước và số liệu thủy văn về đập trên thượng nguồn.
“Theo tôi, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cũng có khô hạn trầm trọng nên việc xả nước sẽ không thực hiện liên tục. Hơn nữa, dòng chảy kéo dài từ đập trên về ĐBSCL hơn 4.000km, qua Thái Lan, Lào, Campuchia và các vùng trũng, dòng nhánh, đất ngập nước nên nước về đến ĐBSCL cũng chẳng còn bao nhiêu. Trong khi đó, Thái Lan cũng đang khẩn trương sử dụng các trạm bơm, gia tăng việc lấy nước” - chuyên gia Tuấn nhận định.
Đồng tình với ý kiến trên, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL cho rằng: “Hiện tượng El-Nino, diễn biến cực đoan gây hạn trên toàn khu vực sông Mekong, không chỉ riêng ĐBSCL, phần thượng lưu ở Trung Quốc cũng bị hạn trầm trọng nên lượng nước đổ về ĐBSCL rất thấp”.
Còn ông Kỷ Quang Vinh - Chánh Văn phòng công tác biến đổi khí hậu TP.Cần Thơ thì thông tin: “Gần đây, lưu lượng nước đo tại trạm Tân Châu (An Giang) - nơi đầu nguồn vào ĐBSCL rất thấp, chưa bằng phân nửa vào thời điểm hạn, mặn bình thường những năm trước đây. Riêng hôm nay mực nước này lại xuống rất thấp so với mấy ngày trước”.
Trước thực trạng trên, các nhà khoa học đề xuất giảm diện tích lúa, nhất là lúa vụ 3, tăng diện tích cây trồng ít tiêu thụ nước, áp dụng các biện pháp tưới nước nhỏ giọt. Đồng thời, tránh đầu tư những công trình lớn, thay vào đó là những công trinh nhỏ, dễ vận hành, thiết kế lại hệ thống thủy lợi theo hướng đa mục tiêu.