Chia sẻ với báo giới, Đại biểu Nguyễn Thị Khá cho rằng, Chủ tịch nước cũng là người thống lĩnh các lực lượng vũ trang, vì thế “cần phải thể hiện sắc nét hơn vai trò thống lĩnh trong lượng lượng vũ trang, cũng là người quản lý cao nhất Nhà nước về đối nội, đối ngoại”.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá.
Bà Khá cũng kỳ vọng Chủ tịch nước sẽ thể hiện quan điểm mạnh mẽ hơn nữa trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đặc biệt phải tranh thủ được sự ủng hộ của các nước trên thế giới và giải quyết các vấn đề biển đảo trên cơ sở luật pháp quốc tế.
“Khi thảo luận, rất nhiều đại biểu đề nghị cần có luật Trách nhiệm của Chủ tịch nước, để quy định rõ hơn nhiệm vụ, chức năng của Chủ tịch”, bà Khá cho biết và dẫn chứng: Trong vấn đề phòng chống tham nhũng, hiện pháp luật đã quy định khi cần thiết, Chủ tịch nước có thể yêu cầu Chính phủ báo cáo. Với những vụ án trọng điểm Chủ tịch nước có quyền chỉ đạo làm án… Những vai trò này đã được quy định, nhưng gần như chưa được thể hiện rõ.
Cùng quan điểm, Thượng tướng - ĐBQH Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương) cũng tin tưởng Chủ tịch nước mới sẽ làm tròn trách nhiệm của mình, đặc biệt là trong đối ngoại. “Nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng quốc phòng – an ninh cần có giải pháp tích cực hơn nữa để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ chủ quyền của đất nước, đặc biệt là trong vấn đề chủ quyền biển đảo".
Thượng tướng - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Rinh.
Đại biểu Trương Minh Hoàng cũng đánh giá, khi một Bộ trưởng Bộ Công an được bầu làm Chủ tịch nước, người có vai trò thống lĩnh các lực lượng vũ trang thì sẽ có thuận lợi hơn các vị tiền nhiệm.
Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng
“Đồng chí Chủ tịch nước trưởng thành từ lực lượng vũ trang, sẽ có thuận lợi trong quản lý, điều hành, xây dựng lực lượng, lúc cần thiết ta cũng luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Tôi hi vọng, thời gian tới Chủ tịch nước cũng sẽ tính đến những yếu tố chủ động trong bảo vệ chủ quyền, hoàn thành tốt trọng trách của mình”, ĐB Minh Hoàng chia sẻ.