Xin trích đăng bài phỏng vấn cựu người mẫu Thủy Hương của tác giả Hoàng Nguyên Vũ trích trong cuốn sách “Thân phận và Hào quang” sắp phát hành.
***
Nhìn vào Thủy Hương hôm nay với một hiện tại sung mãn, ít ai có thể nghĩ chị đã bỏ lại những gì trong một chặng hành trình quá khứ để rồi chính chị phải thốt lên: Quay lại thì không, ngoảnh lại thì có.
Từng là một giáo viên dạy văn giỏi ở một trường cao đẳng và những tưởng yên ổn với cuộc sống công chức bình thường; từng bán cơm bình dân, làm tóc để làm tròn vai trò của một người vợ đảm, dâu đảm trong một gia đình lễ nghi đất Bắc…
Đổ vỡ một cuộc hôn nhân, bỏ đất Bắc đến với phương Nam, cuộc đời Thủy Hương rẽ sang những trang mới.
Không quá khi nói Thủy Hương là người mẫu đẹp nhất Việt Nam
Những cú sốc tuổi trẻ
Con một gia đình thanh thế lại được giáo dục theo lối phong kiến; đỗ đại học từ cái thời đại học vẫn còn là những ước mơ xa vời của biết bao người; là giáo viên giỏi của một trường cao đẳng; rồi sở hữu một sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành. Có phải cái vế cuối cùng trong những điều tôi vừa đề cập, chính là nguyên nhân để tất cả các vế còn lại ở trên không “ngồi yên” được để rồi Thủy Hương dẫu có muốn cũng không là công chức an phận?
- Không. Tôi thích an phận, xây dựng gia đình rồi có công ăn việc làm ổn định, chứ không quan tâm hình thức mình đẹp hay không đẹp. Dù hồi nhỏ tôi từng là người mẫu ảnh, nhưng tôi thích sự thành công từ học vấn vì tôi học cũng rất giỏi. Nhưng việc không an phận công chức như anh hỏi, là do tôi bị “đẩy ra đường”.
Khi đó tốt nghiệp đại học, tôi đã dạy Cao đẳng Sư phạm Tuyên Quang được sáu năm. Nào ngờ, năm 1987 với cơ chế giảm biên chế. 30 giáo viên thì có đến 20 giáo viên phải nghỉ việc, trong đó có tôi dù lúc đó tôi là một giáo viên giỏi. Tôi như kẻ bị mất phương hướng. Áp lực tâm lý của một người làm mẹ của hai đứa con, của công việc, của sự gầy dựng ngày một đè nặng.
Nó kéo dài đến ba năm, tôi như người không thoát ra khỏi sự khủng hoảng. Lúc đó, tôi chỉ ước có phép màu nào đó có thể thay đổi được hoàn cảnh sở tại. Và hy vọng, hy vọng vẫn có khả năng đi làm trở lại, bằng văn chương. Vì thực tế, tôi yêu nghề, và vẫn còn mơ mộng với văn chương nhiều lắm. Nhưng tìm đâu được việc làm, khi biên chế đâu đâu cũng giảm?
Và chị tìm “cơm áo” như thế nào trong khoảng thời gian chờ đợi một điều gì đó sáng sủa hơn từ phía… văn chương?
- Tôi phụ gia đình chồng ra chợ thị xã Tuyên Quang mở tiệm bán cơm phở. Nhà cũng có một cửa hàng làm tóc gần đó. Hết bán cơm, bán phở thì chạy sang phụ làm đầu. Xong mọi công việc ở chợ thì về nhà nuôi lợn.
Tôi làm những việc đó rất nhẹ nhàng, vì làm gì không quan trọng, miễn là trong sạch và nuôi sống gia đình. Dĩ nhiên trong lòng vẫn hy vọng nhiều ở nghề giáo viên hoặc ít ra muốn làm việc gì đó tốt hơn là nuôi lợn, làm đầu và bán cơm.
Một phụ nữ đẹp, sắc sảo sống trong bao nỗi khủng hoảng như vậy, hẳn không thể tránh được những gièm pha của miệng lưỡi thế gian. Tôi cũng có nghe trong thời gian đó, chị cũng là nạn nhân của những điều này?
- Trước đó, chứ không phải là khi đó. Ngay sau ngày cưới của tôi, trên trang báo địa phương có bài báo viết về vi phạm nếp sống mới. Rồi những trang châm biếm, thơ ca hò vè thôi thì đủ cả, không ngừng cười đắc chí về việc này.
Gia đình tôi thuộc diện điệu đà quan cách, nên không đồng ý cưới theo nếp sống mới mà thách cưới cao lên và ra điều kiện, cưới xong tôi phải được đi học cao học chứ không phải là việc ngồi chăm chỉ làm dâu một cách ngoan ngoãn như nhà người khác. Và có nhiều điểm hai bên bất đồng, nhưng cuối cùng đám cưới vẫn diễn ra.
21 tuổi, đó là một cú sốc lớn, một cú sốc đầu đời. Mối tình đầu của mình vừa thành, lại thành trò mỉa mai châm biếm cho thiên hạ. Có những câu vè giờ đây tôi vẫn còn nhớ, với những lời lẽ cay độc. Tôi làm hồ sơ đi học nhưng sở văn hóa không xét duyệt chỉ vì bài báo mỉa mai chuyện cưới xin. Tôi học được một sự chấp nhận, không phản ứng gì cả.
Như chị nói, thời gian đó áp lực tâm lý người mẹ của hai đứa con, rồi áp lực gầy dựng sự nghiệp đè nặng. Vậy, chồng của chị đi đâu, ít nhất cũng dành cho vợ sự chia sẻ về tinh thần?
- Vâng. Nếu như chồng tôi cũng đồng cảm thì hẳn đã không có những chuyện sau này...
Đổ vỡ trong hoàn cảnh đó là chuyện sẽ phải xảy ra. Có thể tạm hiểu một người đàn ông để mất vợ thường là do bất tài, ghen tuông mù quáng hoặc đầu óc có vấn đề. Nhưng ngược lại, không giữ được gia đình nhiều khi phần lỗi cũng không chỉ thuộc về người đàn ông?
Về phía tôi, tôi chỉ thấy mình khi đó không đủ lớn, không đủ kinh nghiệm để chấp nhận nhiều hơn một cuộc sống như thế, hay nói đúng hơn, mình không thể hoàn hảo hơn để lái cho hoàn cảnh tốt lên, mà lại chấp nhận sự khác đi.
Tôi không đến nỗi là người mất tự tin, và dù thích an phận nhưng không phải là mẫu người có khả năng chịu đựng cao và dễ đầu hàng. Tôi đã xin về công tác tại thư viện Đại học Quốc gia, nhưng lại một lần nữa, con đường sự nghiệp của tôi lại chẳng suôn sẻ.
Có thể chia tay sẽ kết thúc một cuộc hôn nhân, nhưng chưa hẳn đã kết thúc một tình yêu. Về phía chị lúc đó, chia tay khi tình yêu đã hết, hay vẫn còn?
- Hết. Đúng hơn là nó hết khi mục đích tối thượng của hôn nhân không đạt được. Tôi không có người chia sẻ. Và dần thì mình trở thành người mất đi cảm xúc. Không muốn nói, không muốn cãi. Nó lạnh. Nếu để kéo dài sẽ dễ tầm thường hóa các mối quan hệ, như vậy lại tự xúc phạm chính mình.
Đành rằng có những cuộc chia tay vẫn còn tình yêu nhưng với tôi thì chia tay khi tình yêu đã hết. Và chia tay để mà giữ được nhiều hơn những suy nghĩ tốt đẹp về nhau, hơn là tiếp tục sống chung. Rồi mình thấy nhẹ nhàng để làm những việc khác cho mình.
Đôi khi, hối tiếc về cuộc tình không trọn vẹn
Tuy nhiên, dù cuộc sống có cuốn nhanh đến cỡ nào thì tôi nghĩ, một người nhạy cảm như chị không thể không nhìn lại. Tôi muốn quay trở lại câu chuyện với người chồng cũ. Khi vợ trên chuyến xe cuộc đời đã lăn bánh về một hướng khác, hẳn người đàn ông đó sẽ chạy theo níu kéo nhưng… bất lực?
- Chồng tôi thuộc tuýp người tự tin và dĩ nhiên vì sự tự tin đó mà không thành kẻ níu kéo. Tuy nhiên, anh tự tin đến mức tôi sẽ quay về với anh, đó là điều mà anh ấy không hiểu tôi. Một người đàn ông chỉ hy vọng vợ mình quay lại theo suy nghĩ của anh ta mà không tìm cách thay đổi mình để chờ đợi sự trở lại đó.
Khi còn tuổi trẻ, mỗi thứ còn có cơ hội thay đổi. Nhưng bây giờ thì đã muộn, tôi nghĩ, anh ấy không thay đổi được. Cũng có thể có những điều không hay người ta sẽ chấp nhận được do tình yêu lớn quá. Hay, tình yêu của tôi với anh ấy không đủ lớn?
Chị nói vậy cũng có nghĩa là chị cũng muốn anh ta thay đổi. Vậy, dù đã ra đi, chị có lúc vẫn muốn quay trở lại để làm lại?
- Nghĩ về sự quay lại, thì cũng có lúc như thế đấy. Chỉ tiếc một điều nó như bát nước đổ đi rồi và đi thì dễ, về thì khó. Dù mất một thời gian rất dài, rất lâu tôi không quên được mối tình đầu này và không đến với ai cả. Tôi đã từng hy vọng anh thay đổi, đúng vậy.
Nhưng rồi tôi thấy câu nói của một ai đó như thế này rất đúng: nếu bạn không muốn thất vọng về một điều gì đó thì đừng hy vọng ở nó nữa. Tôi muốn, rất muốn nhưng không phải cứ muốn là làm được. Tôi tập nói “không” với vấn đề này.
Thôi thì số phận đã vậy rồi, chấp nhận và cảm ơn nó. Nên tôi không chọn quay lại mà chọn ngoảnh lại. Ngoảnh lại để luôn là những người bạn tốt. Thực tế, sau khi chia tay chúng tôi là bạn và cùng chăm sóc con cái rất tốt. Điều đó liệu có được nếu cứ sống cùng nhau như xưa?
Vậy với cuộc ra đi hơn 20 năm rồi, với cuộc hôn nhân này, có điều gì làm chị cảm thấy hối tiếc không?
- Có đôi khi. Hối tiếc về một cuộc tình không trọn vẹn, không cùng nhau đi đến cuối con đường. Dù luôn cảm thấy quyết định của mình là đúng đắn, nhưng ngoảnh lại để thấy giá mà mọi thứ hoàn hảo hơn.
Nhưng thôi, nếu không có trải nghiệm của một cuộc gãy đổ, thì sẽ đâu thấy cuộc sống có muôn màu thú vị. Xét cho cùng, ước muốn chung của con người luôn được là chính mình, thì tôi đã được như vậy.
Sự thay đổi hoàn hảo
Vậy cũng có thể hiểu, chị vào Nam là do không còn sự lựa chọn nào khác?
- Lúc đó mọi việc đã xong xuôi vì chúng tôi đã chia tay. Ba tôi là dân tập kết nên vẫn có nhà trong này, tôi không phải Nam tiến để tìm một cái gì mới mẻ hay phải lựa chọn một điều gì mới cho mình mà đơn giản chỉ là một sự thay đổi môi trường.
Thực lòng tôi cũng tính sẽ dừng chân ở Hà Nội, có một việc để làm vì mục tiêu của tôi là ổn định cuộc sống, nhưng nghĩ, vào Nam mình có gia đình mình, sao lại không vào? Tôi quyết định cũng rất nhanh, và lên đường cùng với con gái nhỏ. Còn cậu con trai, tạm để lại Hà Nội với đằng nội.
Câu chuyện thăng bằng với nơi đến mới ra sao, trong khi chị đang trong tâm trạng của một cô giáo thất nghiệp và một người phụ nữ thất bại trong hôn nhân?
- Tôi phải nói lời tri ân với Sài Gòn, nơi chứa được những tâm hồn cô đơn nhất và cho con người ta cách nhập cuộc. Tôi được làm nhiều, được học nhiều và không có thời gian để sống với nỗi day dứt của mình. Ban ngày tôi đi làm ở trung tâm Thông tin triển lãm thành phố rồi phụ trách người mẫu ở nhà hát Hòa Bình. Thiếu người mẫu, tôi nhảy ra diễn luôn. Có ngày làm đến 16 giờ tôi vẫn thấy thích thú.
Còn ban đêm tôi học thêm vi tính và Anh văn. Thấy mình thiếu gì thì học nấy, tôi không bao giờ ngại học, chỉ ngại mình dốt thôi. Tôi học ngoại ngữ từ việc mê văn chương, thích đọc các tác phẩm văn học nước ngoài bằng nguyên tác. Phần nữa tôi cũng sớm nhìn ra cái lợi của ngoại ngữ ở một thành phố tốc độ phát triển nhanh như Sài Gòn. Và cứ thế, công việc đã làm tôi lấy lại thăng bằng rất nhanh.
Và rồi một cô giáo “đoan trang”, một người phụ nữ thích an phận “bỗng dưng” thành người mẫu nổi tiếng, chiếm lĩnh trong các bộ ảnh đẹp của các nhiếp ảnh gia về đề tài sắc đẹp Việt Nam…
Nếu nhìn nhận, tôi nghĩ nó như một ngọn lửa từ bên trong, chờ lúc nó cháy ra, dù cho đến lúc này tôi vẫn khẳng định nghề người mẫu với tôi chỉ là nghề tay trái. Hồi bé tôi là người điệu đàng, lại mơ mộng, nhạy cảm theo kiểu dân học chuyên văn. Nên việc đến với nghệ thuật cũng là một lẽ bình thường. Nó không đến nỗi trái khoáy vì một cô giáo dạy văn cũng đâu có cứng nhắc lắm để mà không trình diễn được. Nghĩ thế nên tôi đi trên sàn một cách tự nhiên, thanh thản.
Cũng có thể hiểu nó như một duyên cớ. Khi hai nhiếp ảnh gia Trần Huy Hoan và Dương Minh Long làm một loạt ảnh trên báo Người Lao Động, cũng là lúc cái tên Thủy Hương ở lĩnh vực nghệ thuật bắt đầu định hình. Rồi chị Minh Hạnh mời tôi làm người mẫu áo dài cho chị. Và thế rồi mọi thứ cuốn tôi đi…
Sự “lôi kéo” của nghệ thuật với một nhan sắc, vinh quang có nhưng phiền toái không thể nói là không. Chị có ý thức rằng theo nó, mình sẽ chấp nhận một sự trả giá để tuổi trẻ mình có cái mà giữ lại?
- Tôi không bị phiền toái gì với nghệ thuật cả. Tôi biết, người mẫu tuy mang lại những hào quang, nhưng nó chưa phải là một nghề. Tôi không chỉ trình diễn mà tham gia quá trình sáng tạo trong các dự án nghệ thuật. Rồi tôi có những dự án kinh doanh của mình.
Còn sự nổi tiếng, có chăng thì như một lẽ tự nhiên, đừng nghĩ nặng nề hóa nó bằng việc đánh đổi hay trả giá gì cả. Tôi hoạt động nghệ thuật như một lẽ bình thường, một công việc bình thường của một người bình thường. Và nếu chăng, thì tôi là người may mắn khi không phải đánh đổi hay trả giá như anh đề cập?
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!