Thứ “đặc sản” tử thần ấy gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho người dân đến tận ngày nay nên có nhiều đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước vẫn đang tìm cách trừ bỏ.
Theo số liệu của Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, tỉ lệ ô nhiễm bom mìn trên cả nước là 6,6 triệu ha, chiếm 21% diện tích cả nước.
Riêng tỉnh Quảng Trị, tỉ lệ này lên đến 84% diện tích (với 391.500ha bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh trong tổng số 461.297ha diện tích đất tự nhiên) và là tỉnh có mật độ ô nhiễm bom mìn cao nhất Việt Nam.
Từ năm 1975 đến nay, có trên 8.000 người Quảng Trị trở thành nạn nhân của bom mìn, vật liệu nổ do chiến tranh để lại. Trong đó, 31% số nạn nhân là trẻ em.
Để giảm thiểu tai nạn bom mìn, các tổ chức nước ngoài đã đến Quảng Trị. Theo UBND tỉnh Quảng Trị, từ năm 1995 đến nay, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (NGO) gồm: MAG, RENEW, SODI, CRS, Tổ chức Cây Hòa bình Việt Nam… đã tài trợ 40 triệu USD cho các dự án rà phá bom mìn trên địa bàn tỉnh.
Từ đó đến nay, khoảng 450.000 đơn vị vật liệu chưa nổ đã được di dời, phá hủy; trên 18.400ha đất được rà phá sạch bom mìn, phục vụ việc xây dựng các công trình công cộng.
Và 270.000 trẻ em đã được tiếp cận thông điệp về nguy cơ bom mìn, hướng dẫn hành vi an toàn khi gặp phải bom mìn. Từ đó, tỉ lệ tai nạn bom mìn giảm từ 456 vụ giai đoạn 2001-2007 xuống còn 127 vụ giai đoạn 2008-2014.
Hiện nay, công tác rà phá bom mìn vẫn đang được triển khai. Tuy nhiên, với tốc độ nhanh nhất có thể thì ít nhất phải mất khoảng 200 năm nữa mới làm sạch đất ô nhiễm bom mìn tại Quảng Trị, với kinh phí lên đến hàng tỷ USD.
Ở Quảng Trị hiện có 8 phụ nữ tham gia công tác rà phá bom mìn. Họ được ví là “người đi tìm thần chết”.
Những quả bom lớn sau khi phát hiện, khai quật sẽ được đưa về bãi tập kết
Sau đó được hủy nổ an toàn
Một hố bom lớn sau vụ nổ
Những nạn nhân như ông Đào Đăng Yến (trú xã Trung Sơn, huyện Gio Linh, Quảng Trị) luôn tích cực trong công tác tuyên truyền về tai nạn bom mìn.
Tỉnh Quảng Trị cũng phối hợp với các tổ chức nước ngoài triển khai các tour du lịch bom mìn để góp phần tuyên truyền về tai nạn bom mìn.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều người dân vẫn đeo bám nghề rà tìm phế liệu chiến tranh.
Hàng loạt quả đạn, pháo trong những đại lý buôn bán phế liệu chiến tranh ở Quảng Trị là minh chứng rõ nhất cho việc tai nạn bom mìn vẫn rình rập người dân.