Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Manila đang tăng cường thúc đẩy quan hệ với Tokyo và tình hình căng thẳng đang gia tăng trên vùng biển nóng bỏng này, khu vực Trung Quốc đơn phương đòi hỏi chủ quyền với gần trọn diện tích.
Các tàu nêu trên, gồm: một tàu ngầm Oyashio và 2 tàu khu trục JS Ariake và JS Setogiri, đã cập cảng Subic hôm nay. Cảng Subic vốn từng là căn cứ hải quân của Mỹ.
Người phát ngôn Hải quân Philippines, Tư lệnh Lued Lincuna cho biết: “Chuyến thăm thể hiện cụ thể việc duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác hàng hải giữa hải quân hai nước”.
Tàu khu trục Ariake được trang bị một trực thăng săn tàu ngầm, theo một phóng viên ảnh AFP, người có mặt tại hiện trường.
Ban nhạc hải quân Philippines chào đón tàu khu trục JS Ariake tại cảng Subic.
Chuyến thăm của các tàu chiến Nhật Bản diễn ra ngay trước thềm các cuộc tập trận giữa quân đội Mỹ và quân đội Philippines tại lãnh thổ Philippines. Đây được xem là bằng chứng thắt chặt liên minh quân sự giữa 2 nước mà Philippines trông cậy để đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc.
Bị áp đảo trước một Trung Quốc lớn hơn về thực lực quân sự, Philippines đã trông cậy vào các đồng minh trong đó có Mỹ và Nhật Bản để tăng cường sức mạnh lực lượng vũ trang nước này trong những năm gần đây.
Tháng trước, Nhật Bản đã nhất trí cung cấp cho Philippines một loại khí tài, có thể bao gồm một máy bay do thám săn tàu ngầm và công nghệ radar.
Căng thẳng trên Biển Đông, nơi 1/3 khối lượng dầu mỏ thế giới chuyên chở qua đây, gần đây không ngừng leo thang vì Trung Quốc đang tăng cường bồi đắp các bãi san hô ngập nước biến thành các đảo nhân tạo phi pháp, có khả năng phục vụ việc quân sự hóa của Bắc Kinh.
Philippines đang chờ đợi phán quyết cuối cùng của Tòa trọng tài quốc tế cho vụ kiện Bắc Kinh về các đòi hỏi chủ quyền phi pháp trên Biển Đông.