Theo Cục Trồng trọt, vụ đông xuân 2015-2016, ĐBSCL xuống giống hơn 1,59 triệu ha, tăng 28.155 ha, năng suất ước đạt 6,8 tấn/ha, giảm 0,2 tấn/ha. Sản lượng toàn vùng ước đạt 10.944.400 tấn, giảm 186.144 tấn so với vụ đông xuân 2014-2015.
Giá lúa tăng
ĐBSCL đã thu hoạch khoảng 1 triệu ha vụ đông xuân, sản lượng sụt giảm so với cùng kỳ là do ảnh hưởng của hạn và xâm nhập mặn. Qua báo cáo của các địa phương, đến ngày 25-3, hạn, mặn đã làm thiệt hại 180.000 ha lúa.
ĐBSCL đã thu hoạch khoảng 1 triệu ha vụ đông xuân Ảnh: Ngọc Trinh
Do nguồn cung giảm, giá lúa ở ĐBSCL đang tăng. Chị Lê Thị Lụa (ngụ huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) cho biết: “Tôi vừa bán 5 công lúa IR50404 cho thương lái với giá 5.000 đồng/kg, cao hơn 500 đồng/kg so với đầu vụ. Với giá này, sau khi trừ chi phí, tôi lời khoảng 1,7 triệu đồng/công”.
Theo ông Nguyễn Thế Tự - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang - giá lúa tại đây đang tăng. Đầu tuần này, huyện sẽ thu hoạch toàn bộ hơn 20.000 ha lúa đông xuân. “Giá lúa IR50404, thương lái thu mua tại ruộng 4.800-4.900 đồng/kg, lúa thơm hạt dài gần 6.000 đồng/kg. Với giá này, nông dân có lời nhưng không nhiều do năng suất giảm bởi thời tiết khắc nghiệt”.
Ông Lê Công Lý (ngụ huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), một thương lái thu mua lúa, cho biết giá lúa ở Cần Thơ, Vĩnh Long cũng đang tăng. Hiện nhiều thương lái đến tận những cánh đồng mới xuống giống ở Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang để mua lúa non. “Tôi gieo sạ 10 ha vụ hè thu giống Nàng Hoa mới được 20 ngày nhưng thương lái đến ra giá 5.500 đồng/kg. Thấy giá cao, tôi đã bán hết” - ông Lý khoe.
Nguồn cung không bị ảnh hưởng
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, GS-TS Nguyễn Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhận định: “Tuy vụ đông xuân thiệt hại 10%-15% sản lượng nhưng kế hoạch năm nay lại tăng diện tích lúa vụ thu đông thêm 200.000 ha nên không lo thiếu gạo xuất khẩu”.
Trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn dự báo tiếp tục nghiêm trọng và kéo dài đến tháng 6-2016, UBND tỉnh Kiên Giang cùng các cơ quan chuyên môn và địa phương đã triển khai nhiều biện pháp cấp bách để cứu hàng ngàn hecta lúa chưa thu hoạch, đồng thời bảo vệ các vụ tới. Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh vừa hoàn thành 4 công trình ngăn mặn thời vụ bằng cừ thép larsen trên các kênh Rạch Giá - Hà Tiên, Rạch Giá - Long Xuyên, Ông Hiển và kênh Cụt với tổng kinh phí gần 20 tỉ đồng.
Về những công trình này, ông Tạ Minh Tài, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Kiên Lương, cho biết toàn huyện hiện có gần 6.300 ha lúa thiệt hại do hạn, mặn với 1.484 hộ bị ảnh hưởng. Sau khi đắp đập tại kênh Rạch Giá - Hà Tiên đã tạm ngăn được nước mặn xâm nhập. Nhờ vậy, các địa phương đã điều tiết cống Ba Hòn để đẩy mặn ra biển. Đến nay, tuyến kênh nội đồng ở các xã Kiên Bình và Hòa Điền đã ngọt hóa, bảo vệ được 2.000 ha lúa đang trổ bông. Huyện cũng chuẩn bị làm đất, trữ nước ngọt để xuống giống vụ hè thu. “Đến thời điểm này, một số kênh nội đồng có thể bảo đảm nguồn nước cho vụ hè thu tới” - ông Tài khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, cho rằng 4 đập thời vụ nêu trên sẽ bảo vệ được hơn 200.000 ha lúa vụ 3 và hè thu của các huyện vùng Tứ giác Long Xuyên, khu vực TP Rạch Giá và một phần vùng Tây sông Hậu thuộc huyện Tân Hiệp. Bên cạnh đó, các công trình này còn bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho người dân ở khu vực. Nếu không đắp đập kịp thời, thiệt hại trong vụ mùa tới sẽ lên tới hàng ngàn tỉ đồng.
“Năm nay, tỉnh giao chỉ tiêu cho ngành nông nghiệp là gần 4,7 triệu tấn lúa. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hạn, mặn, sản lượng lúa đã giảm hơn 200.000 tấn so với kế hoạch. Để bù đắp, ngành nông nghiệp nâng diện tích vụ 3 lên 120.000 ha, tăng hơn 30.000 ha” - ông Tâm cho biết.
Hiện nay, các huyện ở vùng Tứ giác Long Xuyên như Hòn Đất, Hà Tiên, Giang Thành, tỉnh Kiên Giang đang tranh thủ tháo dỡ các đập tạm trước đó để xả mặn, làm đất. Nông dân ở Kiên Giang đã xuống giống được hơn 50.000 ha lúa vụ 3, chủ yếu tập trung ở các huyện Tân Hiệp, Giồng Riềng và Giang Thành - những vùng ít bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn.
Tại hội nghị sơ kết sản xuất, trồng trọt vụ đông xuân và triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu năm 2016 mới đây do Bộ NN-PTNT tổ chức ở tỉnh Tiền Giang, các đại biểu nhận định nhờ các địa phương tăng diện tích trồng lúa nên mức độ thiệt hại của vụ đông xuân sẽ không ảnh hưởng lớn đến nguồn cung gạo cho xuất khẩu.
Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho rằng dù hạn hán và xâm nhập mặn đã gây thiệt hại lớn đến diện tích lúa đông xuân ở ĐBSCL nhưng nếu các địa phương thực hiện đúng kế hoạch của Bộ NN-PTNT thì tổng sản lượng lúa sẽ không thấp hơn nhiều so với các năm trước. DN cũng không lo thiếu gạo để xuất khẩu.
Gấp rút giảm giá thành sản xuất Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, để tăng tính cạnh tranh cho gạo Việt Nam trên thị trường thế giới và giúp nông dân được hưởng lợi nhiều hơn, cần áp dụng ngay các biện pháp giảm giá thành sản xuất lúa. Hiện nay, nhà nước định ra giá thành lúa là 3.800 đồng/kg nhưng bình quân nông dân phải tốn 3.500 -4.000 đồng/kg. Nếu như nông dân áp dụng mô hình “Điều khiển đồng ruộng hiệu quả nhất” thì chỉ tốn 1.500-1.800 đồng/kg lúa do sạ thưa, không thừa đạm nên cũng không phải sử dụng nhiều thuốc trừ sâu. GS-TS Võ Tòng Xuân cho biết từ tháng 6-2013, Chính phủ đã có chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững trước tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn chưa dám thực hiện chủ trương này do chưa thấy sự cần thiết, chờ “nước đến chân mới nhảy”. Ngành chức năng ở địa phương cũng vẫn loay hoay không biết quy hoạch trồng cây gì hay nuôi con gì cho phù hợp với tình hình mới. Từ đó, nông dân cứ trồng lúa để có cái ăn. “Chúng ta không quá bi quan về thiệt hại do hạn, mặn gây ra mà nên xem đây là cơ hội để cơ cấu sản xuất theo hướng phù hợp với từng vùng. Muốn cơ cấu thì phải có quy trình cụ thể như vùng nào trồng lúa, khu vực nào trồng cây ăn trái… và phải gắn với thị trường tiêu thụ, chứ không thể nói chung chung” - GS-TS Võ Tòng Xuân đề xuất. |