6 tháng tìm bối cảnh quay trên khắp Trung Quốc
Nghệ sĩ Lục Tiểu Đồng mới đây có dịp ôn lại những tháng ngày ông cùng đoàn phim Tây Du Ký “nằm gai nếm mật”, mang đến cho khán giả truyền hình một bộ phim để lại nhiều dư âm, trở thành tâm khảm sâu đậm của tuổi thơ nhiều thế hệ người xem.
Đạo diễn Dương Khiết và đoàn Tây Du Ký những ngày đầu khởi quay.
Theo lời “Hầu ca”, năm 1981, đạo diễn Dương Khiết được Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc giao nhiệm vụ làm phim truyền hình Tây Du Ký. Đầu năm 1982, đoàn phim chính thức được thành lập. Thời gian hoàn thành 25 tập phim đã lấy mất của đoàn phim 6 năm ròng.
Chỉ riêng khâu tìm chọn bối cảnh, đạo diễn cùng ê-kíp đã phải bỏ ra 2 tháng trời, lặn lội vượt hàng chục ngàn cây số trên khắp đất nước Trung Quốc và cả Thái Lan. Hơn nữa, giao thông thời đó còn hạn chế, việc tiếp cận những địa điểm được chọn làm bối cảnh quay thật không hề đơn giản.
Đi lại vất vả, vậy mà cứ đạo diễn ở đâu, một đoàn hùng hậu gồm diễn viên, quay phim, các nhân viên hậu cần, hóa trang, phục trang, đạo cụ... đều phải có mặt ở đó để phục vụ yêu cầu hết sức nghiêm túc của đạo diễn. Chỉ riêng chuyện đi lại cũng đã không thể kể hết nỗi khó khăn.
Máy quay, kỹ xảo thiếu thốn
Nghệ sĩ Lục Tiểu Linh Đồng tiết lộ, thời gian đầu những năm 80, mỗi một tập phim cần quay từ 2 – 3 tháng. Trong khi cả đoàn chỉ có duy nhất một máy ghi hình và một máy quay kỹ xảo.
"Kỹ xảo 5 xu" khiến hình ảnh phẳng lì như tờ giấy.
Kỹ xảo của phim được gọi hài hước gọi là “kỹ xảo 5 xu”, bởi ngành công nghiệp truyền hình của Trung Quốc khi ấy vẫn lạc hậu, thậm chí chưa có bộ phim nào được dùng kỹ xảo trước đó.
Khi Dương Khiết quay Tây Du Ký, đài CCTV mới cho nhập khẩu máy kỹ xảo hiệu ADO của Mỹ và áp dụng kỹ thuật quay với phông nền xanh.
Lục Tiểu Linh Đồng chia sẻ thêm, miọ việc mới đầu khá dễ dàng và thuận lợi, nhưng khi kéo hình ảnh nhân vật ra và xoay một chút, lập tức cơ thể nhân vật trở nên phẳng lì như tờ giấy, nhìn rất dị.
Được biết, muốn tạo hình ảnh nổi phải bỏ thêm 500.000 USD để mua một phần mềm đi kèm máy quay kỹ xảo ADO. Đáng tiếc, đài Trung ương không cấp tiền cho mua phần mềm đi kèm.
Mày mò kỹ thuật treo người bằng dây cáp
Cuối năm 1984, đồng nghiệp công tác ở đài truyền hình của Hồng Kông đến thăm đoàn Tây Du Ký và chê kỹ xảo phim không có cảm giác về trọng lượng cũng như độ chân thực, trong khi ở Hồng Kông đã sử dụng cách treo người khi quay kỹ xảo.
Dương Khiết xin phép đến Hồng Kông học hỏi tại đài TVB và hiểu hơn về kỹ xảo “treo người”, dùng dây cáp đưa diễn viên lên cao tạo cảm giác bay bổng như thật, thay vì quay dưới đất và ghép thủ công vụng về, thiếu sinh động.
Lúc này Ngộ Không đã bay lượn có vé chân thực hơn nhờ dây cáp.
Trở lại, Dương Khiết cho thành lập tổ kỹ xảo võ thuật, sử dụng dây cáp và ròng rọc cho kỹ xảo “treo người”. Nhưng dây cáp không có màu tương đồng với bối cảnh quay dễ bị lộ khi lên hình, vì vậy phải sử dụng dây cáp nhỏ và dễ bị đứt.
Lý do này khiến Lục Tiểu Linh Đồng cũng như Mã Thiếu Hoa và Diêm Hoài Lễ thường bị chấn thương khi quay cảnh bay nhảy vì cáp thường xuyên đột ngột đứt.
Lục Tiểu Linh Đồng cho biết, ông từng bị ngã nhào từ độ cao 4 – 5m: “Sau đó chắc chắn có thấy sợ, nhưng trong lúc quay, bạn không được phép sợ hãi”, ông tâm sự.
Những cảnh quay mạo hiểm đều do Lục Tiểu Linh Đồng tự thực hiện.
Ông còn khẳng định, diễn viên khi đó phải tự đóng cảnh mạo hiểm và chịu rủi ro, không được đoàn phim mua bảo hiểm như ngày nay.
Điên đầu chiếc máy quay "cổ lỗ sĩ"
Chiếc máy ghi hình duy nhất của đoàn được biết đến là “cụ kỵ” của đài Trung ương. Chức năng chụp ảnh và ghi hình của máy hoàn toàn riêng rẽ, trong khi máy cồng kềnh và phải cần đến từ 2 – 3 người cõng mỗi khi di chuyển.
Cả đoàn phim gần chục con người phục vụ một cảnh hết sức đơn giản chỉ vì thiếu thốn máy móc.
Khi quay cảnh một chú thỏ chạy, quay phim phải cõng máy chạy để quay, phía sau hai người vác máy chụp ảnh lục tục chạy theo sau, trợ lý máy quay phải bê monitor đi cùng, ngay cả đạo diễn cũng chạy sát nút để theo dõi. Như vậy một cảnh quay phải huy động gần chục con người chỉ để đuổi theo một con thỏ.
Chiếc máy quay “đồ cổ” không có chức năng quay tiêu cự dài, phải cần đến ống kính tele. Mỗi lần cần ống kính, đoàn phim phải viết báo cáo và đợi được duyệt sau 3 ngày. Sự thật về cả đoàn phim chỉ có duy nhất một máy quay đã khiến các đồng nghiệp Nhật Bản khi ấy sang chơi ai nấy "hoa mắt".
Quay phim Vương Sùng Thu (giữa) và chiếc máy quay "cổ lỗ sĩ" của đoàn Tây Du Ký.
Nỗi thống khổ được giải oan
Lục Tiểu Linh Đồng cho biết, lãnh đạo đài bắt đầu nghi ngờ về tiến độ của đoàn và có ý phê bình Dương Khiết vì làm phim quá chậm.
Năm 1986 ba cán bộ đến kiểm tra, cùng đồng hành với đoàn phim, cùng thử nghiệm kỹ thuật quay dùng cáp treo, cõng máy ghi hình vừa quay vừa chạy...
Thiết bị thiếu thốn với một máy quay duy nhất.
Cuối cùng tổ kiểm tra xin hỗ trợ cho đoàn phim thêm 1 triệu NDT (3,4 tỉ đồng hiện tại), giúp “nâng cấp” thêm một thiết bị ghi hình mới, mỗi thành viên của đoàn cũng được cấp thêm... một chiếc áo gió.
Tuy nhiên, đoàn tiếc tiền nên đặt may áo thay vì mua áo may sẵn. Sản phẩm nhận về không ai mặc được vì tay áo ngắn cũn cỡn. Máy quay mới cũng phải đợi hơn một năm mới có.
Loay hoay tự tìm kinh phí trước nguy cơ giải thể
Một vị lãnh đạo khác lại cho rằng đoàn phim Tây Du Ký “làm ăn không ra hồn” và có ý định cho ngừng quay vì không đủ ngân sách, cả đoàn phim thất vọng và “nuốt không trôi” trước tin “sét đánh”.
Cả đoàn quyết định tự tìm kinh phí và kiến nghị bản quyền phim sẽ thuộc về đoàn phim, không liên quan đến đài trung ương nữa.
May mắn, phó giám đốc sản xuất phim Lý Hồng Xương đã tìm được nguồn tài trợ 3 triệu NDT (hơn 10 tỉ đồng theo giá trị hiện tại) từ Cục công trình Đường sắt 11, giúp đoàn phim tiếp tục hoàn thành 15 tập phim còn lại.
Lý Hồng Xương (giữa) trở thành cứu cánh cho đoàn phim.
Tuy vậy số kinh phí trên cũng không giúp đoàn hoàn thành các tập còn dang dở bởi chỉ trong vòng 2 năm, vật giá bắt đầu leo thang khiến giá thành sản xuất cũng tăng theo, các điểm thăm quan thắng cảnh tự nhiên cũng bắt đầu cho thu phí.
Trong khi thù lao trả cho các thành viên trong đoàn vẫn giữ như cách đó 6 năm. Cụ thể mỗi tập cao nhất diễn viên được nhận 90 NDT (308.000 đồng) và thấp nhất là 30 NDT (102.000 đồng).
Kinh phí có hạn, đạo diễn Dương Khiết đành nhắm mắt cắt bỏ 5 tập mà “lòng đau như cắt”, như vậy Tây Du Ký chỉ có tổng cộng 25 tập phim.
Điều này khiến đạo diễn Dương Khiết đến giờ vẫn cảm thấy vô cùng tiếc cuối. Phải đợi đến khi có kinh phí, bà mới thực hiện nốt “giấc mơ dang dở” với phần 2 ra mắt năm 2000.