“Từ khi tôi lớn lên đến giờ chưa thấy ai đến trạm y tế sinh con cả. Vợ tôi cũng sinh mấy đứa con tại nhà. Khi vợ sinh đứa con út, tôi đang ngủ ngoài nhà, thấy tiếng trẻ khóc oe oe, tôi mới biết là vợ đã sinh nên vào cắt rốn cho con” - anh Giàng Blề Rùa - Bí thư Chi bộ thôn Háng Tày, xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) chia sẻ.
Những đứa trẻ ở bản Háng Tày, xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đều được mẹ sinh tại nhà. Ảnh: S.N
Nếu Chế Tạo là xã xa và khó khăn nhất của huyện Mù Cang Chải, thì Háng Tày là bản xa nhất của xã Chế Tạo. Cả bản có 69 hộ dân, 100% là hộ nghèo và cận nghèo. Vì cái nghèo và đường sá trắc trở, dốc núi nên gần 100% chị em phụ nữ dân tộc Mông nơi đây phải chọn giải pháp sinh con tại nhà.
Chị Sùng Thị Vạng, 24 tuổi có 3 con, cả 3 đứa chị đều sinh tại nhà. Chị kể, khi sinh đứa đầu, chị đau đẻ suốt 9-10 giờ đồng hồ. Sợ hãi, chị đã cầu cứu gia đình đưa lên trạm y tế hoặc bệnh viện để được nhân viên y tế hỗ trợ thì được gia đình giải thích, bao đời nay, gần 100% phụ nữ đều sinh con tại nhà. Vì thế, chị cũng phải gắng sinh con ở nhà một cách an toàn. “Lúc đó, nếu có chết khi sinh cũng đành chịu, vì người thân không đưa đi, còn mình thì không thể tự đi được” – chị Vạng nói.
Theo chị Vạng, sinh con tại nhà một phần không tốn kém, phần khác đường từ nhà ra tới trạm y tế hơn 30km, lại hiểm trở. Đi bộ mất 8 giờ đồng hồ, nếu đi xe máy, thời tiết thuận lợi cũng mất hơn 3 tiếng mới đến được trạm y tế. Với những lý do này, bà con bản Háng Tày đều chọn cách sinh tại nhà.
Bản Háng Tày cũng có một nhân viên y tế là anh Giàng A Súa. Tuy nhiên, vì các chị em xấu hổ và không muốn người lạ đến đỡ đẻ nên vai trò của anh chỉ là khám, phát thuốc cho những người đau ốm thông thường; thực hiện cân đo cho trẻ; tư vấn cho người bệnh nặng đến bệnh viện khám, chữa trị… “Trong quá trình mang thai, chị em không đến trạm y tế khám thai, siêu âm định kỳ dẫn đến việc dự kiến ngày sinh rất khó. Tôi cũng thường xuyên xuống tận gia đình tuyên truyền, vận động, giải thích việc sinh con tại nhà rất nguy hiểm. Nếu gặp phải trường hợp thai ngôi ngược dễ dẫn đến các tai biến cho mẹ và bé. Sản phụ dễ bị băng huyết hoặc khi gia đình dùng nứa, dao, kéo cắt rốn cho bé nếu không được vô trùng, em bé sẽ bị nhiễm trùng uốn ván sơ sinh… Tuy nhiên, mọi nỗ lực của chúng tôi, cộng với điều kiện khó khăn và thói quen sinh con tại nhà đã ăn sâu vào tiềm thức người dân nên khó có thể thay đổi trong một sớm, một chiều” – anh Súa cho hay.