Mương Thụy Khuê (một nhánh cũ của sông Tô Lịch) dài gần 3km kéo dài từ dốc Tam Đa đến cống Đỗ, quận Tây Hồ - Hà Nội. Đây được xem là đường thoát nước của 2 quận Ba Đình và Tây Hồ. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay con mương này bị ô nhiễm rất trầm trọng.
Dòng nước đen kịt, rác thải ùn ứ và bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Theo phản ánh của người dân, nước dưới mương chủ yếu là nước thải sinh hoạt cộng với rác thải do người dân trực tiếp đổ xuống. Đặc biệt là hệ thống bể phốt của các gia đình xả thẳng xuống mương mà không qua hề qua hệ thống bể chứa. Ngoài ra, do khu vực này còn tập trung một số hộ chế biến thực phẩm, làm bánh nên chất thải bị đổ xuống mương ngày càng nhiều. Do không được khơi thông thường xuyên nên lưu lượng nước thoát chậm, khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng trở nên trầm trọng.
Nhiều quán ăn, chế biến thực phẩm đặt ngay bên cạnh dòng nước cống hôi thối.
Chị Nguyễn Thị Ngát (Thụy Khuê - Hà Nội) cho hay, "mương Thụy Khuê giống như một cái bể phốt lộ thiên", các hộ dân xung quanh chẳng còn cách nào khác là phải đóng cửa, che chắn để tránh mùi. Đặc biệt là vào mùa hè, mùi hôi thối bốc lên khiến cho người dân xung quanh thường xuyên mắc phải các bệnh về đường hô hấp.
Hàng trăm các đường ống nước thải được người dân xả trực tiếp xuống mương.
Để tránh mùi, nhiều hộ dân tìm cách che chắn bằng cách phủ bạt, hoặc thường xuyên đóng cửa kín mít.
Hằng ngày các cán bộ công nhân vệ sinh môi trường phải vớt rác và tiến hành khơi thông nguồn chảy.
Một cán bộ vệ sinh môi trường cho biết, mỗi ngày họ phải túc trực ở đây hai lần để vớt rác. Tuy nhiên, cứ vớt được bao nhiêu thì sau đó người dân lại vứt rác, xả thải bừa bãi ra còn nhiều hơn.
Hai bên bờ mương đã xuất hiện tình trạng sạt khá nghiêm trọng.
Ở nhiều đoạn người dân khắc phục bằng cách ke bờ bằng tre, nứa.
Được biết, dự án “Cải thiện môi trường xung quanh mương thoát nước Thụy Khuê” được khởi công từ cuối năm 2012, nhưng đến thời điểm hiện tại, tất cả vẫn trong tình trạng “giậm chân tại chỗ”.
Và trong khi đợi chờ dự án hoàn thành thì hằng ngày người dân ở đây vẫn phải mỏi mòn sống trong tình trạng bị ô nhiễm, đe dọa đến sức khỏe nghiêm trọng.