Đại gia “Thiên Mã” bị bắt
Chiều 31.3, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46 Bộ Công an) phối hợp Công an TP.Cần Thơ thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Phan Bá Tòng (còn gọi là Tòng “Thiên Mã”, SN 1974, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu thủy sản Thiên Mã, đóng tại KCN Trà Nóc, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ), để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cùng bị bắt với hành vi nói trên, còn có bà Trần Thị Diễm (46 tuổi, Kế toán trưởng Công ty Thiên Mã). Một nguồn tin cho biết, khi bị bắt, cả ông Tòng và bà Diễm đều đang có mặt tại TP.HCM. Ngay sau đó, Cơ quan CSĐT đã đồng loạt tiến hành lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở và nơi làm việc của hai bị can trên.
Ngày 1.4, ông Tòng và bà Diễm được di lý ra Hà Nội bằng đường hàng không, để phục vụ cho công tác điều tra. Được biết, cả hai nhân vật trên bị bắt vì có hành vi sai phạm về kinh tế liên quan đến các khoản vay tại một số ngân hàng tại TP.Cần Thơ và Hậu Giang. Thông tin ban đầu cho biết, số tiền sai phạm lên đến khoảng 700 tỷ đồng.
Theo đó, cuối năm 2012, ông Tòng tuyên bố công ty thua lỗ. Năm 2014, do ông Tòng nợ quá nhiều nên Chi cục Thi hành án dân sự quận Ô Môn (TP.Cần Thơ) đã kê biên, phát mãi chiếc siêu xe Hummer H2 trị giá khoảng 4 tỷ đồng của đại gia này. Tài liệu ban đầu cho thấy, trong thời gian làm Giám đốc công ty Thiên Mã, ông Tòng đã làm nhiều hồ sơ vay vốn các ngân hàng, trong đó có nhiều hồ sơ thiếu minh bạch, số tiền chuyển sang nợ xấu.
Tòng “Thiên Mã” bên siêu xe Hummer H2 BKS 95H–3333.
Nợ ngập đầu vẫn cứ chơi sang
Trước đó, đại gia Tòng “Thiên Mã” được biết đến là doanh nhân trẻ thành đạt, hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu cá tra, cá ba sa. Thị trường xuất khẩu của công ty được phát triển nhiều nước trên thế giới. Lúc phát đạt, công ty này ồ ạt tuyển dụng công nhân trong và ngoài tỉnh vào làm việc. Đại gia thủy sản từng sở hữu căn biệt thự lớn ở ngay trung tâm TP.Cần Thơ và dàn siêu xe Hummer, Camry biển số “độc” khiến ai cũng phải trầm trồ.
Giới thủy sản trong nước ví ông Tòng là một trong những đại gia “tầm cỡ”, nức tiếng giàu có, ngang hàng với đại gia miền Tây khác như: Diệu Hiền, Lâm Ngọc Khuân.
Năm 2005, Công ty Thiên Mã được thành lập với vốn điều lệ 70 tỷ đồng. Năm 2009, công ty này xây hai nhà máy Kim Ngư và Thiên Mã 3. Hoàn thành xong nhà máy, công ty xây dựng hệ thống 12 trang trại thủy sản khép kín từ khâu sản xuất cá bột rồi đưa qua ao nuôi 40.000 tấn cá da trơn mỗi năm…
Tuy nhiên, năm 2011, Công ty Thiên Mã có dấu hiệu ngừng hoạt động vì nợ chồng chất. Hàng chục chủ nợ của công ty là người nuôi cá, chủ cơ sở kinh doanh mua bán thức ăn bị giám đốc Tòng “khất” nợ, và không có khả năng thanh toán với số tiền hơn 50 tỷ đồng...
Đến cuối năm 2012, ông Tòng tuyên bố công ty kinh doanh thua lỗ và mắc nợ nhiều ngân hàng ở TP.Cần Thơ và Hậu Giang. Kể từ đó, công ty hoạt động cầm chừng và nhận gia công thủy sản cho các công ty khác.
Sau đó, ngành chức năng vào cuộc làm rõ, xem xét hồ sơ, các cơ quan chức năng phát hiện, ông Tòng có thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tiền của các ngân hàng. Cụ thể, để được vay tiền ngân hàng, ông Tòng đã chuẩn bị nhiều hợp đồng xuất nhập khẩu khống để thế chấp 5 ngân hàng vay hơn 430 tỷ đồng, trong đó có một ngân hàng là chủ nợ lớn nhất với số tiền lên đến nhiều tỷ đồng.
Trước tình cảnh này, nhiều người nhận định ông Tòng chỉ là “đại gia ảo”, bởi công ty hoành tráng mà lại “dính” nợ hàng loạt đơn vị, cá nhân. “Khoảng năm 2013, có nhiều ô tô biển số khác tỉnh chờ phía trước con hẻm 75 (khu vực 2, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều) rồi thuê luôn khách sạn trên đường Trần Phú nghỉ lại để đòi nợ ông Tòng. Tại thời điểm đó, báo chí cũng phản ánh nhiều về ông, nhưng sao đến giờ ông Tòng mới bị công an bắt giữ?”, một người dân địa phương thắc mắc.
Công ty đã tạm ngưng hoạt động?
Ngay sau khi Tòng “Thiên Mã” bị bắt, PV Đời sống & Pháp luật tìm đến nhà riêng của đại gia thủy sản này để tìm hiểu và ghi nhận thêm thông tin. Ngôi biệt thự bề thế, nơi vợ chồng đại gia thủy sản này sinh sống nằm sâu phía trong con hẻm 75, khu vực 2, phường Cái Khế cửa đóng then cài.
Thấy có người lạ đến, một người đàn ông bước ra cho biết: “Hiện không có ai ở nhà, tui là cha vợ của Tòng, còn vợ nó đã đến công ty ở KCN Trà Nóc để ổn định tình hình, bởi sau khi thông tin con rể của tôi bị cơ quan công an bắt giữ thì nhiều công nhân tỏ ra hoang mang, sợ ảnh hưởng đến việc làm của mình”.
Dứt lời, người được cho là cha vợ của Tòng hướng dẫn PV đến Công ty Thiên Mã 3 (KCN Trà Nóc) để gặp con gái ông (tức vợ Tòng - PV). Khi PV nhờ ông cung cấp số điện thoại của vợ Tòng thì ông từ chối với lý do đã đổi số mới, số điện thoại cũ thì con gái ông không còn dùng nữa. Sau đó, PV tiếp tục di chuyển về công ty Thiên Mã 3 nhưng cũng không gặp được ai. Một nữ nhân viên trạc 25 tuổi cho biết, vợ của Tổng Giám đốc Tòng vừa mới trở về nhà ở TP.Cần Thơ.
Khi PV đang cố gắng tìm người quản lý của công ty này thì nam nhân viên bảo vệ đang đứng phía trước cổng nói: “Cứ vào phòng kế toán gặp anh Kiên”. Tại đây, người đàn ông tên Kiên chia sẻ, anh chỉ là kế toán nên không thể cung cấp thông tin gì, hay hướng giải quyết nào. Hiện công ty tạm thời ngừng hoạt động, đồng thời đang chờ kết luận sau cùng của cơ quan điều tra.
Theo quan sát của PV, khoảng 17h chiều 1.4, phía trước trụ sở Công ty Thiên Mã 3 vẫn có một số chiếc ô tô tải và container đậu trong sân bãi. Một nhóm 4 - 5 người (có cả bảo vệ - PV) đang ngồi túm tụm quanh chiếc ghế đá bố trí bên phải công ty. Đối diện là nhà xe dành riêng cho công nhân và nhân viên văn phòng với hơn chục chiếc xe máy. Thi thoảng, cũng có người đến công ty bằng xe máy rồi lại đi ra ngoài ngay sau đó nhưng không biết họ là ai và đến công ty để làm gì.
Trao đổi với PV, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ cho biết, Công ty Thiên Mã đã nhiều năm nợ tiền thuê đất của Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp. Vì chuyện này mà hai bên nhiều lần đã định kéo nhau ra tòa.
Tuột dốc từ 5 năm trước Theo báo cáo của ngành chức năng TP.Cần Thơ, từ cuối năm 2011, Thiên Mã có dấu hiệu tuột dốc khi lãi suất ngân hàng tăng cao và rơi vào “danh sách đen” của các ngân hàng. Năm 2012, tổng nợ tại 5 ngân hàng của Công ty Thiên Mã lên đến 430,5 tỷ đồng. Trong đó có ngân hàng công ty nợ vay 205,3 tỷ đồng và nợ lãi lên đến 72,7 tỷ đồng. Đó là chưa tính khoản nợ 52 tỷ đồng Công ty Thủy sản Thiên Mã chưa có khả năng trả cho nông dân vào thời điểm đó. |