Dân Việt

Giáo viên Sử: Chủ quyền biển đảo chưa vào SGK, sai lầm của ai?

Tùng Anh 05/04/2016 18:03 GMT+7
“Là giáo viên dạy Sử ở trường phổ thông, tôi xin khẳng định cụm từ “chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa”, “đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo” không được nhắc đến dù chỉ một dòng trong chương trình, nội dung sách giáo khoa môn Lịch sử hiện hành từ THCS đến THPT. Đó là một sự thật vô lý” - thầy Hiếu nói.

Rất vui mừng trước thông tin Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có chỉ đạo với Bộ Giáo dục - Đào tạo về việc đưa vấn đề biển đảo vào sách giáo khoa mới, Thạc sỹ Trần Trung Hiếu - giáo viên Sử trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho rằng: việc làm này dù đã quá muộn, nhưng muộn còn hơn không.

img

Thầy giáo Trần Trung Hiếu (bên trái) với cựu binh Gạc Ma – anh Lê Hữu Thảo

Thầy Hiếu cũng nhận định, trong kiến thức về vấn đề chủ quyền lãnh thổ và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo liên quan trực tiếp đến Trung Quốc, sách giáo khoa Lịch sử nói quá sơ sài hoặc không hề nói. Phần kiến thức về cuộc chiến tranh Biên giới Tây Nam (1975 -1978), Biên giới phía Bắc (1979 - 1989) nói quá sơ sài, còn các kiến thức cơ bản về quá trình xác lập, bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa, sự kiện hải chiến Hoàng Sa (19.1.1974), thảm sát Gạc Ma (14.3.1988) thì không hề nhắc tới.

Nói về những nội dung mà giáo viên và học sinh cần biết về vấn đề biển đảo trong chương trình sách giáo khoa mới tới đây, thầy Hiếu cho rằng riêng sách Lịch sử, cần phải bổ sung những kiến thức cơ bản đó vào hẳn 1 chương chứ không phải là một tiểu mục như chương trình sách giáo khoa hiện hành.

Cũng theo thầy Hiếu, nhiều năm nay, công luận, báo chí đã đề cập nhiều lần về việc đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa. Các chuyên gia hàng đầu của Hội khoa học Lịch sử tổ chức rất nhiều hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế. Hội cũng đã làm nhiều văn bản kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền và Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo bằng văn bản với Bộ Giáo dục - Đào tạo. Tuy nhiên, Bộ hứa nhưng chưa làm, có thể do các lý do “tế nhị”, “nhạy cảm” với Trung Quốc.

Nhận thấy lời hứa chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa Lịch sử phổ thông chưa được triển khai, GS Phan Huy Lê lại chính thức đề nghị Thủ tướng kết luận về việc hệ trọng này, nhưng Bộ GD - ĐT vẫn nói, vẫn hứa mà không làm.

Chiều 3.11.2015, tại hội thảo “Tích hợp giáo dục Lịch sử, Giáo dục Quốc phòng - An ninh và Giáo dục Đạo đức công dân với Tổ quốc” của Bộ GD - ĐT, GS Phan Huy Lê thẳng thắn chất vấn Thứ trưởng Bộ GD ĐT Nguyễn Vinh Hiển tại sao đến giờ phút này Bộ vẫn chưa chịu đưa vấn đề Lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa Lịch sử phổ thông?

Như vậy, từ năm 2012 đến nay, sách giáo khoa Lịch sử phổ thông hiện hành vẫn giữ nguyên như cũ, chưa có thêm một dòng chữ nào về lịch sử chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa và nội dung giáo dục chủ quyền biển đảo cho đến hiện tại vẫn đang là số không tròn trĩnh ! “Vấn đề đặt ra ở đây là sai lầm này thuộc về ai ? Có phải thuộc về các tác giả viết sách giáo khoa, các nhà Sử học hay các giáo viên Sử phổ thông không? Có phải thuộc về Hội KHLS Việt Nam hay các cơ sở đào tạo không ? Không, tất cả đều không!

Sai lầm này hoàn toàn thuộc về những người nắm quyền quyết định và cho phép viết, in ấn, xuất bản, tái bản. Họ đã hứa đủ điều, nhưng họ không làm gì cả. Hoàng Sa đã bị mất 42 năm, Gạc Ma cũng không còn thuộc chủ quyền khai thác, sử dụng 28 năm và rất nhiều đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa đã và đang bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép. Học sinh phổ thông vẫn không được biết, được cập nhật vấn đề này trong chương trình Lịch sử hiện hành.

Vì vậy, tôi cho rằng có lẽ sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với Bộ GD ĐT đối với vấn đề cấp bách và hệ trọng này dù đã rất muộn nhưng thà muộn còn hơn không bao giờ” – Thầy Hiếu nói.

Cũng theo thầy Hiếu, vấn đề chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Gạc Ma... đã và đang bị xâm chiếm, bị đe dọa nghiêm trọng bởi nhiều hành động quân sự ngày càng trắng trợn và nguy hiểm của Trung Quốc càng thêm cơ sở để cần bổ sung, chỉnh sửa kịp thời những kiến thức đó trong chương trình Lịch sử hiện hành.